Xuất khẩu gặp khó, doanh nghiệp thủy sản giảm mạnh doanh thu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Số liệu về doanh thu, sản lượng thành phẩm tiêu thụ trong tháng 5 của một số doanh nghiệp ngành thủy sản như Công ty CP Vĩnh Hoàn, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho thấy những khó khăn mà ngành này đang phải đối mặt.
5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 3,5 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên
5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 3,5 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên

Tháng 5/2023, Công ty CP Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt 954 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 5 tháng đầu năm nay, Công ty ghi nhận 4.074 tỷ đồng doanh thu, giảm 36,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mảng đóng góp lớn nhất trong doanh thu của Công ty là cá tra đạt 2.411 tỷ đồng, bằng 55% so với mức 4.347 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Xét theo thị trường, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, giúp Vĩnh Hoàn thu về 1.388 tỷ đồng tổng doanh thu, giảm 59,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, doanh thu từ thị trường Trung Quốc giảm 18,75% (đạt 429 tỷ đồng), còn từ châu Âu tăng 2,6% (đạt 785 tỷ đồng). Tại thị trường nội địa, doanh thu ở mức 988 tỷ đồng, giảm 17,5%.

Những số liệu sản xuất - kinh doanh tháng 5/2023 của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cũng cho thấy khó khăn trong việc xuất khẩu sản phẩm tôm. Cụ thể, doanh nghiệp này ghi nhận 10,9 triệu USD doanh thu trong tháng 5/2023, giảm 44% so với tháng 5/2022 và giảm 22% so với tháng 4/2023. Trong đó, sản lượng tôm thành phẩm đạt 2.761 tấn, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước, song lượng tiêu thụ chỉ đạt 948 tấn, giảm 61%. Sản xuất nông sản thành phẩm đạt 123 tấn, giảm 61% so với tháng 5/2022 và lượng tiêu thụ đạt 115 tấn, giảm 19%.

Theo số liệu tổng hợp 5 tháng đầu năm nay, Thực phẩm Sao Ta đạt 68,1 triệu USD doanh thu, giảm 29,8% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng tôm tiêu thụ đạt 5.507 tấn, giảm 30%.

Một số doanh nghiệp khác trong ngành công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 không mấy khả quan. Đơn cử như Công ty CP Thủy sản Minh Phú báo lỗ gần 100 tỷ đồng, đây là quý lỗ đầu tiên của doanh nghiệp này kể từ năm 2017.

Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 3,5 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu đều giảm khoảng 13 - 34%. Trong đó, mặt hàng tôm giảm mạnh nhất (giảm 34%), đạt 1,2 tỷ USD và cá tra giảm 30%, đạt 0,841 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và Trung Quốc đều ghi nhận mức giảm kỷ lục, lần lượt giảm 50% và giảm 26%.

VASEP nhận định, khó khăn của ngành thủy sản đến từ suy thoái kinh tế, lạm phát toàn cầu và những khó khăn sản xuất chế biến trong nước, cộng thêm áp lực cạnh tranh lớn từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia…

Về triển vọng của ngành thủy sản, Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ tăng 40 - 50% trong nửa cuối năm so với nửa đầu năm nay nhờ lạm phát “hạ nhiệt”, mức tồn kho giảm và nhu cầu dịp lễ cuối năm. Còn tại thị trường EU, kỳ vọng nhu cầu đối với cá tra của Việt Nam sẽ ổn định trong nửa cuối năm so với nửa đầu năm 2023 do lạm phát tại EU vẫn ở mức cao, trong khi nguồn cung các loại cá thịt trắng khác như cá minh thái bị ảnh hưởng bởi căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Do bức tranh kinh tế vĩ mô của Trung Quốc khó đoán định và sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác, VNDirect dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc nửa cuối năm 2023 sẽ không tăng trưởng mạnh so với nửa đầu năm.

Chuyên đề