Xuất khẩu cán đích mục tiêu kế hoạch

(BĐT) - Trong bối cảnh khó khăn do kinh tế thế giới chưa hồi phục, song dự kiến hoạt đông ngoại thương vẫn đạt mục tiêu kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu 10% và kiểm soát nhập siêu dưới 5%.
Xuất khẩu cán đích mục tiêu kế hoạch. Ảnh Internet
Xuất khẩu cán đích mục tiêu kế hoạch. Ảnh Internet

Không những vậy, đây còn là một điểm sáng của nền kinh tế trong năm nay, tạo đà cho việc đón bắt thời cơ và động lực mới cho tăng trưởng trong năm 2016 tới, một năm được dự báo là sẽ có nhiều bước ngoặt lớn trong tiến trình hội nhập.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2015, kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng mạnh đến tăng trưởng xuất khẩu. Đà phục hồi toàn cầu vẫn chưa đồng đều, các nền kinh tế lớn phục hồi chậm trong khi những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Nga, Brazil… lại suy giảm. Tổng cầu nhập khẩu hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn ở mức thấp trong khi nguồn cung của các nước xuất khẩu dồi dào, tạo sức ép cạnh tranh cả về lượng và giá đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu vốn được coi là thế mạnh của Việt Nam như gạo, cao su, cà phê, sắn lát, tôm, cá tra… Đặc biệt, lĩnh vực về khoáng sản tiếp tục có sự sụt giảm rất sâu về giá và lượng xuất khẩu và vì vậy, dẫn đến tác động rất tiêu cực đến năng lực xuất khẩu. Bên cạnh đó, năm 2015, nhiều nước có xu hướng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để tạo rào cản, bảo hộ sản xuất trong nước. Cùng với đó, thị trường tiền tệ có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia, trong đó có những nước là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như Brazil, Ấn Độ, Indonesia, và đặc biệt là Trung Quốc, bạn hàng lớn nhất của Việt Nam, phá giá đồng Nhân dân tệ đã ảnh hưởng khá nặng nề đến hoạt động xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, hoạt động ngoại thương vẫn đạt nhiều kết quả khả quan như quy mô xuất khẩu không ngừng mở rộng và duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu chuyển biến tích cực theo hướng tăng hàm lượng chế biến và giá trị gia tăng, giảm bớt xuất khẩu thô. Cụ thể, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 79%, nông, lâm, thủy sản chiếm 12,6%, nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản chỉ còn 3,1%. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng theo mục tiêu đa dạng hóa thị trường, xuất khẩu sang các khu vực thị trường trọng điểm đều tăng trưởng dương. Một điểm đáng quan tâm nữa là nhập siêu vẫn được kiềm chế, chủ yếu nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.  Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, xuất nhập khẩu vẫn là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế tổng thể năm 2015.

Đánh giá về khả năng hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra cho năm nay, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, nếu không có biến động gì lớn, và với truyền thống bứt phá về cuối năm, chắc chắn sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% và kiểm soát nhập siêu dưới 5%. “Thông thường, tháng 11/2015 cũng là tháng chứng kiến nhiều nỗ lực bứt phá của doanh nghiệp cũng như các bộ, ngành trong việc tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng. Tăng trưởng xuất khẩu đạt mục tiêu, nhập khẩu cũng được kiểm soát rất tốt, dẫn đến cả 11 tháng nhập siêu của chúng ta ở mức thấp, đạt yêu cầu mà Quốc hội đã đề ra. Với nhịp độ của tăng trưởng xuất khẩu cuối năm cũng như thông lệ chung, trong tháng 12, chúng ta sẽ chứng kiến những cải thiện mạnh mẽ trong bức tranh xuất nhập khẩu”, ông Tuấn Anh nói.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, việc Việt Nam vừa ký kết thành công một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong năm nay và chuẩn bị tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào đầu năm tới là yếu tố tạo tiền đề rất tốt cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2016 và những năm tiếp theo. “Các FTA mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là EVFTA, KVFTA và tới đây là TPP sẽ tạo động lực tăng trưởng mới cho hoạt động thương mại, đầu tư và xuất khẩu, là cú hích đối với tăng trưởng xuất khẩu, từ đó góp phần nâng mức tăng trưởng chung của nền kinh tế”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh và cho rằng, để đón bắt được các cơ hội lớn này, cần tập trung khai thác những cơ hội tiềm năng của các thị trường từ các FTA mà Việt Nam đang và sẽ tham gia, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế, qua đó thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.             

Chuyên đề