Năm 2018, Bộ NN&PTNT và các đơn vị trực thuộc thực hiện lựa chọn nhà thầu 1.745 gói thầu với tổng giá gói thầu là 18.558 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi |
Lựa chọn nhà thầu nhiều gói thầu quy mô lớn
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2018, Bộ và các đơn vị trực thuộc thực hiện lựa chọn nhà thầu 1.745 gói thầu với tổng giá gói thầu là 18.558 tỷ đồng. Tổng giá trúng thầu là 17.864 tỷ đồng. Kinh phí tiết kiệm được là 694,18 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ tiết kiệm 3,7%. Hình thức lựa chọn nhà thầu được áp dụng nhiều nhất là chỉ định thầu với 901 gói thầu (chiếm 51,6%), tiếp theo là đấu thầu rộng rãi với 526 gói thầu (chiếm 30,1%), chào hàng cạnh tranh là 276 gói thầu (chiếm 15,8%)…
Kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu do Bộ NN&PTNT quản lý được công bố cho thấy, trong năm 2018, Bộ và các đơn vị trực thuộc đã tổ chức lựa chọn nhà thầu nhiều gói thầu có quy mô vốn lớn.
Điển hình như tháng 2/2018, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng (BQL ĐTXD) Thủy lợi 4 đã trao Gói thầu số 36 Đập tràn, đập bê tông, cống lấy nước và đập phụ thuộc Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An, với giá trúng thầu lên tới 1.094 tỷ đồng, cho một liên danh nhà thầu xây dựng.
Tháng 8/2018, BQL ĐTXD Thủy lợi 10 trao Gói thầu PMU10-CW-03 Xây dựng, lắp đặt thiết bị cống Vũng Liêm, có giá trúng thầu là 209,6 tỷ đồng, thuộc Tiểu dự án Kiểm soát nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Nam Măng Thít tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long cho Liên danh Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam - Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 40.
Tháng 9/2018, BQL ĐTXD Thủy lợi 1 trao Gói thầu số 11 Nâng cấp đê hữu hồng đoạn từ K40+350-K47+980, trị giá hơn 202 tỷ đồng, cho Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập - Công ty CP Xây dựng số 2.
Tiếp đó, cuối tháng 12/2018, BQL ĐTXD Thủy lợi 5 trao gói thầu xây lắp trị giá 518,8 tỷ đồng thuộc Dự án Hồ chứa nước Mỹ Lâm, tỉnh Phú Yên cho Liên danh Công ty CP Cơ khí và Xây lắp 276 - Công ty TNHH Hoàng Minh - Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải thực hiện…
Đánh giá về việc thực hiện hoạt động nhà thầu năm 2018, Bộ NN&PTNT nhận xét, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định 63/2014/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn liên quan đã được ban hành cơ bản đầy đủ, giúp công tác lựa chọn nhà thầu của chủ đầu tư thuận lợi và tuân thủ trình tự, thủ tục pháp luật hiện hành.
Còn thiếu sót, tồn tại
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng cho biết còn một số thiếu sót, tồn tại trong công tác đấu thầu. Cụ thể, vẫn còn tình trạng thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu chưa đúng với kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt. Chất lượng hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC) chưa tốt do năng lực của một số tư vấn lập HSMT còn yếu, tiếp cận các quy định chưa đầy đủ, dập khuôn máy móc trong soạn thảo HSMT.
Bộ NN&PTNT còn cho biết: “Năm 2018, có 2 kiến nghị về lựa chọn nhà thầu đã được Bộ thực hiện giải quyết theo quy định”.
Thực tế cũng cho thấy, trong năm 2018, Báo Đấu thầu đã nhận được nhiều kiến nghị, phản ánh của nhà thầu liên quan đến những hạn chế, thiếu sót nêu trên. Đơn cử như tháng 8/2018, một nhà thầu đã phản ánh những bất cập trong HSMT Gói thầu Xây lắp + thiết bị đầu mối thuộc Dự án Cải tạo hệ thống tiêu nội đồng tỉnh Vĩnh Phúc. Nhà thầu cho rằng HSMT đã đưa ra những điều kiện về tài chính, kỹ thuật hạn chế sự tham gia của nhà thầu, thậm chí nhắm đến một nhà thầu duy nhất.
Cũng trong tháng 8/2018, Báo nhận được phản ánh khác của nhà thầu nghi ngờ tính minh bạch trong việc lựa chọn nhà thầu tại Gói thầu ĐM Xây lắp + thiết bị công trình đầu mối và gia cố thượng, hạ lưu thuộc Hợp phần 1 Dự án Khôi phục nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An…
Từ tồn tại nêu trên, nhằm xử lý nghiêm các vi phạm, nâng cao hiệu quả hoạt động đấu thầu, Bộ NN&PTNT kiến nghị cơ quan chức năng cần có những biện pháp chế tài cụ thể, mạnh mẽ để xử lý đối với các vi phạm của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức thẩm định, nhà thầu tư vấn tham gia trong quá trình lựa chọn nhà thầu.