Xử lý nợ đọng xây dựng: Thiếu chế tài về trách nhiệm thanh toán của chủ đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với tình trạng bị chiếm dụng vốn lớn khi bị nợ đọng xây dựng, hoạt động của nhiều doanh nghiệp xây dựng đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí có nguy cơ phá sản. Các doanh nghiệp xây dựng đang mong chờ nhiều giải pháp mạnh mẽ, dứt khoát để xử lý tình trạng này. Trong đó, luật hóa trách nhiệm thanh toán của chủ đầu tư là giải pháp được nhiều doanh nghiệp đề xuất tới các cơ quan chức năng.
Các doanh nghiệp xây dựng đang mong chờ nhiều giải pháp mạnh mẽ, dứt khoát để xử lý tình trạng nợ đọng xây dựng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Các doanh nghiệp xây dựng đang mong chờ nhiều giải pháp mạnh mẽ, dứt khoát để xử lý tình trạng nợ đọng xây dựng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tại hội thảo "Nợ đọng xây dựng - Kiến nghị và giải pháp" do Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) tổ chức sáng 18/8, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp xây dựng công khai số liệu về tình trạng nợ đọng tại các công trình, dự án của các chủ đầu tư.

Ông Khương Tất Thắng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, tại thời điểm ngày 31/3/2022, tổng số nợ phải thu của doanh nghiệp là 1.539 tỷ đồng với 1.280 hợp đồng. Trong đó, công nợ tại các công trình mà chủ đầu tư là đơn vị quản lý vốn nhà nước là 1.004 tỷ đồng; công nợ tại công trình của doanh nghiệp tư nhân là 535 tỷ đồng. Số nợ này nếu tính theo năm là 506 tỷ đồng (khoản nợ trong thời gian 1 - 3 năm); 539 tỷ đồng (thời gian 3 - 5 năm); 149 tỷ đồng (nợ trên 5 năm).

Hay Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu chỉ mấy trăm tỷ đồng nhưng đang bị nợ đọng 1.900 tỷ đồng. Con số nợ tại Tập đoàn Cienco4 được công khai là 187 tỷ đồng.

Không công bố cụ thể con số nợ đọng, ông Vũ Xuân Thắng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) chia sẻ diễn biến một số vụ việc, hợp đồng bị nợ đọng tại doanh nghiệp này. Đơn cử, hợp đồng thi công là chế tạo hạng mục thiết bị cơ khí 500 tấn, nhưng sau khi hoàn thành, thiết bị này có trọng lượng là 530 tấn. Khi thanh toán thì nhà thầu chỉ được thanh toán 500 tấn, còn 30 tấn khối lượng vượt bị chủ đầu tư tạm giữ, chờ ký được phụ lục bổ sung hoặc khi quyết toán mới được thanh toán. Hay tại hợp đồng với Công ty Xi măng Đồng Bành, vì hạng mục 10.000 USD gặp trục trặc (COMA đề nghị được thực hiện nốt hạng mục còn lại này nhưng phía chủ đầu tư vì nhiều lý do không cho làm) nên chủ đầu tư đã giữ lại khoản tiền chờ thanh toán 1,5 triệu USD (33 - 34 tỷ đồng) của nhà thầu. “Một hợp đồng thi công, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đơn giá cạnh tranh khốc liệt, lãi chỉ được 3 - 5%, thậm chí hòa hoặc lỗ nhưng quyết toán chậm thì coi như lỗ”, ông Thắng nhấn mạnh.

Theo Luật sư Vũ Ánh Dương, giai đoạn 2013 - 30/6/2022, tổng giá trị tranh chấp xây dựng tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam lên tới 19.500 tỷ đồng, trong đó tranh chấp về việc chậm thanh toán chiếm tỷ lệ cao nhất (66%); tương đương cứ 10 vụ việc tranh chấp xây dựng thì có 7 vụ việc liên quan tới việc chậm thanh toán…

Trước thực trạng này, đại diện COMA cho rằng, cần phải luật hóa hoặc nghị định hóa một số khái niệm làm cơ sở cho việc thanh quyết toán và giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng. Theo đó, với hợp đồng theo đơn giá cố định thì giá trị thanh toán dựa trên cơ sở khối lượng thực hiện. Khối lượng vượt thì mặc nhiên nhà thầu phải được thanh toán ngay mà không cần thêm thủ tục. Với hợp đồng trọn gói thì phải tuân thủ đúng theo nghĩa của trọn gói; thậm chí trọn gói hợp đồng hay trọn gói cho từng hạng mục của hợp đồng cũng phải quy định rõ.

Ông Khương Tất Thắng đề xuất VACC xem xét và tiếp tục làm việc với các bộ, ngành, kiến nghị với Chính phủ xử lý những vấn đề ngoài tầm của doanh nghiệp xây dựng liên quan tới chủ trương, thể chế, đặc biệt là những nội dung, quy định khi tiến hành thương thảo, ký kết hợp đồng với các chủ đầu tư là đơn vị quản lý nhà nước hoặc đơn vị quản lý vốn nhà nước. Cụ thể, cần có cơ chế, quy định về tiến độ thanh toán, trách nhiệm đối với các khoản nợ chậm thanh toán… công bằng, bình đẳng, sòng phẳng theo cơ chế thị trường.

Ngoài ra, không ít doanh nghiệp xây dựng kiến nghị cần đưa vào quy định pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan điều kiện bảo lãnh tạm ứng và bảo lãnh thanh toán đối với chủ đầu tư, từ đó nâng cao trách nhiệm với các bên liên quan.

Chuyên đề