Bị chiếm dụng vốn, nhà thầu làm gì để đòi nợ?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nợ đọng trong lĩnh vực xây dựng là vấn đề dai dẳng, tồn tại từ lâu nhưng vẫn thời sự, nhức nhối, chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết triệt để. Nhà thầu xây dựng chịu thiệt hại lớn khi bị chiếm dụng vốn, thậm chí có nguy cơ phá sản. Vì thế, hơn ai hết, nhà thầu cần tự trang bị cho mình cách thức để giảm nguy cơ bị nợ đọng và kịp thời thu hồi khoản nợ.
Các vụ việc tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng gửi đến Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam xử lý mấy năm gần đây tăng nhanh, giá trị tranh chấp lên đến gần 10.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Các vụ việc tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng gửi đến Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam xử lý mấy năm gần đây tăng nhanh, giá trị tranh chấp lên đến gần 10.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Muôn hình vạn trạng chậm thanh toán

Ông Huỳnh Đăng Hiếu, thành viên Ban Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho biết, tình trạng nợ đọng trong lĩnh vực xây dựng đến nay vẫn phổ biến, các vụ việc tranh chấp gửi đến VIAC xử lý mấy năm gần đây tăng nhanh, giá trị tranh chấp lên đến gần 10.000 tỷ đồng. Theo thống kê, khi khởi kiện đến VIAC, các khoản nợ đều tồn đọng khá lâu, phổ biến từ 1 đến 3 năm. Cá biệt có vụ việc khoản nợ tồn đọng trên 5 năm, chỉ riêng tiền lãi chậm trả cho thời gian đọng nợ đã hơn 70 tỷ đồng. Nhiều khoản nợ đọng trở thành nợ xấu phải trích lập dự phòng, có thể mất an toàn thanh khoản cho hoạt động của doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến quá trình luân chuyển và sử dụng vốn của doanh nghiệp. Thực tế, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, khốn đốn có nguyên nhân bị nợ đọng…

Ông Hiếu phân tích nguyên nhân của tình trạng nợ đọng kéo dài bao gồm cả từ phía nhà thầu và chủ đầu tư. Nhà thầu chưa tìm hiểu kỹ năng lực tài chính chủ đầu tư trước khi ký hợp đồng; năng lực của nhà thầu trong công tác đàm phán ký kết hợp đồng với chủ đầu tư, trong việc quản lý và triển khai hồ sơ thanh quyết toán trong quá trình thi công vẫn còn yếu; chưa có biện pháp thu hồi nợ hiệu quả… Từ góc độ chủ đầu tư, có 2 trường hợp chính thường xảy ra, đó là chủ đầu tư không có nguồn tài chính bảo đảm hoặc chủ đầu tư có năng lực tài chính nhưng cố tình kéo dài, không trả nợ cho nhà thầu, thậm chí còn tìm mọi cách để trì hoãn hay gây khó khăn trong thanh quyết toán cho nhà thầu.

Một số nhà thầu chia sẻ, chủ đầu tư thường đưa ra rất nhiều lý do để bắt bẻ, từ chối thanh toán, chiếm dụng vốn, như hạng mục phát sinh chưa được đệ trình đủ hồ sơ và chưa được chủ đầu tư phê duyệt; hồ sơ thanh toán không hợp lệ; nhà thầu thực hiện nhiều dự án nhưng chưa được quyết toán hợp đồng thuộc dự án này thì chủ đầu tư tiếp tục viện dẫn rằng có tranh chấp nên không tiếp tục thanh toán các hợp đồng thuộc dự án khác… Thậm chí có trường hợp chủ đầu tư đưa ra lý do không tiến hành thanh toán vì hồ sơ thanh toán của nhà thầu không đầy đủ, thiếu chữ ký của chủ đầu tư?!

Bảo đảm công bằng trong quan hệ hợp đồng

Ông Hoàng Ngọc Tú, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta cho biết, hiện chưa có sự sòng phẳng, công bằng giữa chủ đầu tư - nhà thầu, thậm chí nhiều chủ đầu tư thiếu hợp tác cũng như vô tâm với công sức của nhà thầu xây dựng. Ông Tú kiến nghị cơ quan nhà nước bổ sung điều khoản bảo đảm sự tuân thủ hợp đồng của các chủ đầu tư, bảo vệ quyền lợi của nhà thầu trước khi cấp chứng chỉ nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng. Sửa đổi, bổ sung biểu mẫu hợp đồng, đặc biệt là trách nhiệm thanh toán, bảo lãnh thanh toán ngang bằng giữa chủ đầu tư - nhà thầu.

Đại diện từ Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình chia sẻ, cần tránh nể nang, đáp ứng tiến độ khi chủ đầu tư hoặc đại diện chủ đầu tư chỉ “cam kết miệng”, chưa rõ ràng chi phí, phụ lục; cần thỏa thuận ngay từ đầu những chế tài rõ ràng, phù hợp để hạn chế tình trạng nợ đọng. Rất nhiều vụ việc khi xảy ra tranh chấp thì mới áp dụng các biện pháp thu hồi công nợ dẫn đến những phí tổn tố tụng lớn và tăng nguy cơ rủi ro. Đặc biệt, nhà thầu phải chú trọng thu hồi công nợ, định vị vai trò, tầm quan trọng của việc xử lý nợ đọng xây dựng ở cấp độ lãnh đạo doanh nghiệp, từ đó hình thành được một kế hoạch tổng thể về xử lý nợ đọng, trên cơ sở kế hoạch đó sẽ tiến hành tổ chức, thực hiện nghiêm túc. Nhà thầu phải đề cao giải pháp chủ động hòa giải theo hợp đồng, tuy nhiên, trên thực tế cũng phát sinh những trường hợp vượt quá giới hạn chịu đựng của nhà thầu, phải giải quyết thông qua tòa án.

Ông Huỳnh Đăng Hiếu cho biết, việc khởi kiện tại các cơ quan tài phán (trọng tài, tòa án) là biện pháp cuối cùng để giải quyết nợ tồn đọng, nếu phải khởi kiện thì nhà thầu cần lưu ý thời hiệu khởi kiện là 2 năm kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Khởi kiện khi đã hết thời hiệu, bên vi phạm được miễn trừ các nghĩa vụ. “Soạn thảo, quản lý việc thực hiện hợp đồng, xây dựng hồ sơ thanh quyết toán và thực hiện đầy đủ các quy định hợp đồng chính là cách tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của nhà thầu xây dựng”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Chuyên đề