Thông thầu là hành vi đứng đầu trong nhóm các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Đắk Nông đối với hàng loạt gói thầu mua sắm trang thiết bị giáo dục thuộc Chương trình giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu sổ, vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020, Đề án Bảo đảm cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025 khi triển khai ở các huyện, giao cho các phòng giáo dục và đào tạo làm chủ đầu tư đều có nội dung xảy ra sai phạm, nhất là tình trạng thông thầu. Trong giai đoạn này, 5 hộ kinh doanh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã thực hiện 235 gói thầu mua sắm trang thiết bị giáo dục với tổng giá trúng thầu hơn 15,5 tỷ đồng. Theo kết quả xác minh của Công an TP. Buôn Ma Thuột, 5 đại diện các hộ kinh doanh trên đều có quan hệ anh em ruột, họ hàng ruột thịt.
Theo Kết luận thanh tra, đối với các gói thầu tại các trường học trên địa bàn huyện Đắk R’lấp, việc phân bổ dự toán cho 10 trường thực hiện mua sắm tại 10 gói thầu thiết bị riêng lẻ, nhưng phạm vi mua sắm giống nhau, đồng bộ, số lượng cùng giá trị 100 triệu đồng, cùng 1 nhà thầu cung cấp với hình thức chỉ định thầu là không phù hợp, có dấu hiệu chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu. Điều này không đảm bảo minh bạch, công bằng và vi phạm điều cấm trong đấu thầu.
Theo cơ quan thanh tra, các gói thầu tại huyện Đắk R’lấp, Đắk Min, Đắk Song, Đắk Glong đều phát hiện tình trạng hồ sơ do 1 nhà thầu lập, giao cho các đơn vị sử dụng ký hoàn tất nhận thiết bị dù khác nhà thầu cung cấp. Các bộ hồ sơ giống nhau kể cả lỗi chính tả. Các báo giá cũng do các hộ kinh doanh có quan hệ gia đình cung cấp, không đảm bảo minh bạch. Cơ quan thanh tra xác định, hồ sơ mua sắm của các nhóm nhà thầu trên không đảm bảo, hàng hóa không có tài liệu, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Tổng sai phạm phát hiện qua thanh tra là hơn 2,1 tỷ đồng.
Hành vi thông thầu thời gian qua xuất hiện với tần suất dày đặc trong các cáo trạng của cơ quan viện kiểm sát nhân dân khi xét xử những vi phạm về đấu thầu. Mới nhất, tại vụ án vi phạm quy định về đấu thầu xảy ra ở Bệnh viện TP. Thủ Đức, cáo trạng chỉ rõ, giai đoạn 2016 - 2020, Bệnh viện TP. Thủ Đức đã tổ chức đấu thầu 31 gói thầu mua sắm thiết bị y tế, trong đó có 28 gói thầu đã phê duyệt kết quả trúng thầu, hoàn thiện việc thanh toán, với tổng giá trị hơn 346,2 tỷ đồng. Để can thiệp, thâu tóm các gói thầu trên, Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức Nguyễn Minh Quân đã chỉ đạo Nguyễn Văn Lợi (là người làm thuê cho Quân) thành lập Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Nguyễn Tâm, Công ty TNHH Thanh Vương Sài Gòn, Công ty TNHH Dược phẩm Trung Dung. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Ngọc Đạo do Nguyễn Trần Ngọc Diễm (vợ của Quân) thành lập cũng ủy quyền cho Nguyễn Văn Lợi là người đại diện theo pháp luật để Lợi chủ động sử dụng pháp nhân thực hiện theo chỉ đạo của Quân.
Thủ đoạn của các đối tượng này khi tham gia đấu thầu các gói thầu của Bệnh viện TP. Thủ Đức là lập các hợp đồng mua bán khống, lòng vòng giữa các công ty trong nhóm để nâng giá thiết bị, máy móc cao hơn giá thị trường, sau đó sử dụng 3 trong nhóm 4 công ty do Lợi quản lý để nộp hồ sơ dự thầu với giá máy móc, thiết bị đã nâng khống.
Trong năm 2023, hàng loạt vụ án khác bị đưa ra xét xử như vụ án “vi phạm quy định về đấụ thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế TP. Cần Thơ, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 32,6 tỷ đồng; vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội, tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, tại Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, tại Sở Y tế Tây Ninh… Các cáo trạng đều thể hiện hành vi thông thầu giữa các nhà thầu dự thầu, hầu như các hồ sơ dự thầu được 1 nhà thầu xây dựng, “lót đường” cho đơn vị trúng thầu. Những hành vi này được hợp thức hóa thông qua sự làm ngơ của các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư.
Thông thầu là một trong những điều cấm được hình thành rất sớm trong Luật Đấu thầu các giai đoạn trước cũng như định hình rõ nét trong Luật Đấu thầu 2023. Tuy nhiên, thực tế, không ít chủ đầu tư, nhà thầu vẫn xem nhẹ và cố tình vi phạm, dẫn tới giảm hiệu quả công tác đấu thầu, các đối tượng liên quan vướng lao lý.
Theo chuyên gia đấu thầu Lê Văn Tăng, thông thầu là hành vi gian lận không khó để phát hiện và đứng đầu trong nhóm các hành vi bị cấm. Dù pháp luật về đấu thầu đã chỉ rõ, có chế tài nghiêm minh, nhưng khâu thực thi vẫn còn đôi chỗ lỏng lẻo, để lọt những đối tượng “nhắm mắt” làm liều. Việc cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng mạnh tay vào cuộc xử lý đúng người đúng tội tại các vụ án vi phạm quy định đấu thầu và điểm mặt hành vi thông thầu là hồi chuông cảnh tỉnh với các chủ thể liên quan.