Xốc lại kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát, xử lý kiến nghị, xử lý vi phạm trong đấu thầu; chú trọng kiểm tra những gói thầu ít nhà thầu tham dự, giá trị tiết kiệm thấp, gói thầu quy mô lớn, phức tạp, các gói thầu đấu thầu không qua mạng; gói thầu có nhiều kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, một nhà thầu trúng nhiều gói thầu tại một địa phương, một chủ đầu tư trong thời gian dài nhưng hiệu quả kinh tế thấp… là những nội dung được nêu bật tại Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 29/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Tồn tại, hạn chế trong công tác đấu thầu có thể làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện của dự án, gói thầu, giảm hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Ảnh: Lê Tiên
Tồn tại, hạn chế trong công tác đấu thầu có thể làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện của dự án, gói thầu, giảm hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Ảnh: Lê Tiên

Đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn

Như Báo Đấu thầu đã phản ánh, trong thời gian mời thầu Gói thầu Thi công xây dựng công trình (bao gồm khảo sát và lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán) của Dự án thành phần 2 (Km16+000 - Km27+430) thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 (giá gói thầu hơn 2.475 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu) đã phát sinh 20 đề nghị làm rõ và 1 kiến nghị của nhà thầu về các tiêu chí bị cho là không phù hợp quy định, quá mức cần thiết tại hồ sơ mời thầu (HSMT). Với hàng loạt tiêu chí khó, Gói thầu chỉ có 1 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT).

Gói thầu số 09 Thi công xây dựng + lắp đặt thiết bị công trình thuộc Dự án Đầu tư, nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng công cộng các tuyến đường và thôn hẻm phố trên địa bàn TP. Quảng Ngãi (giá gói thầu hơn 60 tỷ đồng) đã hoàn tất lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng được nửa năm, nhà thầu trúng thầu đã được tạm ứng 50% giá trị hợp đồng nhưng bất ngờ bị hủy kết quả vì liên tục vướng kiến nghị.

Tại Gói thầu số 02 Thi công xây dựng công trình và thiết bị thuộc Dự án Trường THCS Quảng Khê, sau khi 2/3 nhà thầu có giá dự thầu cạnh tranh nhất tố “bị bức tử” để tạo điều kiện cho nhà thầu “thân quen” trúng thầu giá cao, bị cơ quan chức năng yêu cầu giải trình thì UBND xã Quảng Khê (Quảng Xương, Thanh Hóa) đã “quay xe” hủy thầu trái quy định…

Những “hạt sạn” tồn tại trong công tác đấu thầu như những ví dụ trên ít nhiều đã làm suy giảm lòng tin của các nhà thầu vào tính công khai, minh bạch của cuộc thầu, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, chậm tiến độ triển khai dự án.

Đánh giá về những tồn tại, hạn chế của công tác đấu thầu hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc triển khai công tác lựa chọn nhà thầu của một số chủ đầu tư, bên mời thầu còn chậm, lúng túng, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện của dự án, gói thầu. Còn tồn tại tình trạng “cài cắm” trong HSMT làm hạn chế tính cạnh tranh trong đấu thầu, ảnh hưởng tới hiệu quả gói thầu. Nhiều tư vấn đấu thầu không bảo đảm về chất lượng, năng lực trong việc lập hoặc thẩm định HSMT, đánh giá HSDT, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu…

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thực thi các chế tài xử lý vi phạm sẽ bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Ảnh: Nhã Chi

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thực thi các chế tài xử lý vi phạm sẽ bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Ảnh: Nhã Chi

Tăng cường thanh tra, giám sát, xử lý kiến nghị

Tai Chỉ thị 24/CT-TTg, Thủ tướng yêu cầu cơ quan quản lý về đầu tư thuộc bộ, ngành, địa phương, đơn vị quản lý đấu thầu tại doanh nghiệp nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý kiến nghị, xử lý vi phạm trong đấu thầu; phải thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động đấu thầu, khi phát hiện có dấu hiệu không đảm bảo mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch thì phải có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Trường hợp cần thiết hoặc phát hiện vi phạm nghiêm trọng cần chủ động đề xuất thanh, kiểm tra đột xuất hoặc chuyển cơ quan điều tra; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, chấn chỉnh kịp thời, triệt để những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu thầu thuộc phạm vi phụ trách…

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, Luật sư Hoàng Vũ Tưởng, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Minh Phương kỳ vọng, Chỉ thị 24/CT-TTg sẽ giúp tăng trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra trong việc xử lý kiến nghị, xử lý các sai phạm trong công tác lựa chọn nhà thầu. Ở nhiều gói thầu, cơ quan thanh tra, kiểm tra ở địa phương đóng vai trò chủ đạo đánh giá tính minh bạch, cạnh tranh cho cuộc thầu, nhất là trong trường hợp cấp có thẩm quyền vừa là chủ đầu tư, vừa là bên mời thầu, nhà thầu sẽ không biết “bấu víu” vào ai để được giải quyết kiến nghị cho thỏa đáng.

Chuyên gia đấu thầu Nguyễn Việt Hùng cho rằng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thực thi các chế tài xử lý vi phạm sẽ tạo ra kỷ luật nghiêm minh cho công tác đấu thầu. Các chế tài xử lý vi phạm đều có trong hệ thống pháp luật về đấu thầu từ trước đến nay nhưng các cấp được trao quyền có lúc đã không làm tròn trách nhiệm, có phần nương nhẹ trong việc xử lý vi phạm nên không tạo ra tính răn đe cho các tổ chức, cá nhân có liên quan với các sai phạm trong đấu thầu. Việc ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg chính là hồi chuông cảnh tỉnh, nhắc nhở người đứng đầu, cấp có thẩm quyền, cơ quan quản lý về đấu thầu ở bộ, ngành, địa phương phải thực thi các quyền và trách nhiệm xử lý vi phạm của mình, tạo ra tính nghiêm minh và kỷ luật, giúp công tác đấu thầu tuân thủ đúng pháp luật.

Chuyên đề