Xi măng Công Thanh ngập trong nợ, loạt dự án “đắp chiếu”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản giao các cơ quan chức năng tổng hợp, tham mưu về đề nghị của Công ty CP Xi măng Công Thanh (Xi măng Công Thanh) triển khai hồ sơ thủ tục giao đất thực hiện Dự án Xây dựng cảng Công Thanh tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Xi măng Công Thanh nuôi tham vọng đầu tư cảng biển trong khi tình hình tài chính “bết bát” và nhiều dự án chậm tiến độ.
Sau 6 năm thua lỗ liên tiếp, lỗ lũy kế của Xi măng Công Thanh tính đến cuối năm 2021 đã lên tới 4.898 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ của Công ty (900 tỷ đồng), khiến Công ty âm vốn chủ sở hữu khoảng 3.998 tỷ đồng. Ảnh: Công Thành
Sau 6 năm thua lỗ liên tiếp, lỗ lũy kế của Xi măng Công Thanh tính đến cuối năm 2021 đã lên tới 4.898 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ của Công ty (900 tỷ đồng), khiến Công ty âm vốn chủ sở hữu khoảng 3.998 tỷ đồng. Ảnh: Công Thành

Các dự án “đắp chiếu”

Ngày 1/4/2022, Xi măng Công Thanh có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị triển khai hồ sơ thủ tục giao đất và cho thuê đất đợt 1 thực hiện Dự án Xây dựng cảng Công Thanh tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Xi măng Công Thanh được biết đến là chủ nhà máy sản xuất xi măng công suất trên 6 triệu tấn/năm tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Tại địa phương này, Công ty cũng mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác, đặc biệt là bất động sản. Tuy vậy, nhiều dự án đang trong tình trạng “đắp chiếu”.

Ngày 11/5, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đồng ý gia hạn hoàn thành hồ sơ, thủ tục Dự án Khu du lịch Golden Coast Resort Hải Hòa tại phường Hải Hòa và phường Bình Minh, thị xã Nghi Sơn của Xi măng Công Thanh đến hết ngày 31/12/2022. Đồng thời yêu cầu Xi măng Công Thanh tập trung nguồn lực, nhanh chóng phối hợp với các sở, ngành, UBND thị xã Nghi Sơn hoàn thiện thủ tục và sớm triển khai xây dựng, đưa Dự án vào hoạt động. Trường hợp hết thời gian quy định, Xi măng Công Thanh chưa hoàn thành hồ sơ, thủ tục dự án trên, các đơn vị chức năng sẽ có văn bản thông báo hết hiệu lực chủ trương đầu tư theo quy định. Xi măng Công Thanh sẽ không được bồi thường, hỗ trợ các khoản kinh phí đã đầu tư và chi phí liên quan đến Dự án.

Dự án Khu du lịch Golden Coast Resort Hải Hòa được UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý chủ trương đầu tư tại Công văn số 3081/UBND-CN ngày 25/7/2006. Theo tìm hiểu, đây là lần thứ 5 Xi măng Công Thanh xin lùi thời gian khởi công và triển khai xây dựng Dự án.

Tại phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa, Dự án Khách sạn 5 sao, văn phòng làm việc, văn phòng cho thuê của Xi măng Công Thanh được UBND tỉnh Thanh Hóa giao đất tại Quyết định số 754/QĐ-UBND ngày 12/3/2009. Từ đó đến nay, dự án này vẫn bị bỏ hoang, chưa được triển khai nên Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã thanh tra việc thực hiện Dự án. Sau đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có các văn bản chỉ đạo, gia hạn thực hiện Dự án nhưng Xi măng Công Thanh vẫn chậm tiến độ. Tính đến cuối năm 2021, Xi măng Công Thanh ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản của dự án này là 4,8 tỷ đồng.

Tài chính bết bát

Báo cáo tài chính năm 2021 Xi măng Công Thanh công bố mới đây cho thấy tình hình tài chính yếu kém của doanh nghiệp này. Kết thúc năm 2021, Xi măng Công Thanh lỗ khoảng 881 tỷ đồng. Sau 6 năm thua lỗ liên tiếp, lỗ lũy kế của Công ty tính đến cuối năm 2021 đã lên tới 4.898 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ của Công ty (900 tỷ đồng), khiến Công ty âm vốn chủ sở hữu khoảng 3.998 tỷ đồng.

Quy mô tổng tài sản của Công ty cuối năm 2021 đạt 12.769 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả lên đến 16.767 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn là 2.727 tỷ đồng, vượt tài sản ngắn hạn khoảng 1.820 tỷ đồng. Tổng khoản vay ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp lần lượt là 1.593 tỷ đồng và 5.850 tỷ đồng.

Theo ý kiến của Công ty TNHH PwC - đơn vị thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 của Xi măng Công Thanh, đến ngày 31/12/2021, Công ty chưa thực hiện trả khoản vay dài hạn và trái phiếu dài hạn với số tiền khoảng 921 tỷ đồng cho Ngân hàng VietinBank và khoản vay ngắn hạn 300 tỷ đồng cho Ngân hàng SHB theo kế hoạch. Tại thời điểm 31/12/2021, tiền lãi vay Xi măng Công Thanh phải trả cho VietinBank và SHB là 267,4 tỷ đồng. Tổng số dư các khoản vay ngắn hạn đã quá hạn thanh toán là khoảng 1.221 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Tại thời điểm lập báo cáo tài chính ngày 16/5/2022, Ban Tổng giám đốc của Xi măng Công Thanh cũng không thể cung cấp bằng chứng khả năng hoàn thành kế hoạch thanh toán do các ngân hàng đề ra. Điều này dẫn đến việc PwC chưa thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán. Với các yếu tố trên, PwC nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty CP Xi măng Công Thanh.

Chuyên đề