Xem xét trách nhiệm nếu chậm giải ngân vốn ODA

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đến hết tháng 11/2024, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài mới đạt hơn 39% nên mục tiêu giải ngân 95% được nhận định là vô cùng thách thức. Bên cạnh các khó khăn về thủ tục, việc giải ngân chậm còn có nguyên nhân từ sự thiếu chủ động trong thực hiện và lường trước các rủi ro trong triển khai. Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, cần siết kỷ cương bố trí vốn, xem xét chế tài với việc lập dự toán không sát, trả lại nguồn vốn do nguyên nhân chủ quan.
Lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng năm 2024 của các bộ, ngành đạt 3.285,7 tỷ đồng, tương ứng 39,06% kế hoạch vốn điều chỉnh. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng năm 2024 của các bộ, ngành đạt 3.285,7 tỷ đồng, tương ứng 39,06% kế hoạch vốn điều chỉnh. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Tại Hội nghị với các bộ, ngành về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài ngày 3/12/2024, Bộ Tài chính cho biết, lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng năm 2024 của các bộ, ngành đạt 39,06% kế hoạch vốn điều chỉnh, tương đương 3.285,7 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân nêu trên gấp hơn 2 lần tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2024 (16,62% kế hoạch vốn), nhưng vẫn thấp hơn hẳn kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước 11 tháng đầu năm 2023 (khoảng 53,16% kế hoạch). Đáng chú ý, có đến 4/10 bộ, ngành đến nay chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài năm 2024 (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế). Từ đầu năm đến nay, có 6 bộ đề nghị trả lại kế hoạch vốn năm 2024 với tổng vốn 2.092,42 tỷ đồng (bao gồm cả số đã phân bổ chi tiết và số chưa phân bổ).

Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài của các bộ, ngành 11 tháng đầu năm 2024 thấp hơn nhiều so với mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, đòi hỏi các bộ, ngành và các chủ dự án triển khai các biện pháp quyết liệt hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân.

Nguyên nhân giải ngân chậm có thể kể đến việc chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư như chậm trong khâu đấu thầu, ký kết hợp đồng (nhóm 3 trường đại học thuộc Dự án Phát triển các trường đại học quốc gia Việt Nam, vay vốn Ngân hàng Thế giới - WB), hồ sơ thiết kế kỹ thuật - dự toán phải điều chỉnh và trình nhiều lần trong quá trình thẩm định do chưa phù hợp (Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán WEIDAP/ADB8 vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB).

Ngoài ra, chậm giải ngân còn do một số dự án thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay. Theo thống kê của Bộ Tài chính, có 15 dự án, tiểu dự án có điều chỉnh đề xuất, điều chỉnh chủ trương đầu tư trong năm 2024. Một số dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay và công tác điều chỉnh kéo dài như Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành vay vốn Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Dự án Quản lý nước Bến Tre vay vốn JICA, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên vay vốn ADB, Dự án Xây dựng Trường Đại học Dược Hà Nội ngang tầm khu vực vay vốn Hàn Quốc...

Là một trong 4 bộ chưa giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, căn cứ khả năng thực hiện, Bộ có thể chỉ giải ngân được 49 tỷ đồng và đã có công văn xin trả lại số vốn 525,8 tỷ đồng. Hiện nay, có 1 dự án “tắc” giải ngân do vướng thủ tục về tài sản bảo đảm, thủ tục thẩm định mới.

Ông Vũ Doãn Long, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án “Phát triển các đại học quốc gia Việt Nam - Tiểu dự án Đại học Quốc gia Hà Nội” cho biết, vướng mắc về tài sản bảo đảm khiến Dự án kéo dài. Bên cạnh đó, các dự án thực hiện bằng nguồn vốn vay WB đòi hỏi quy chế thực hiện mất nhiều thời gian, phát sinh nhiều tình huống cần làm rõ để nhận được thư không phản đối của nhà tài trợ. Về nguyên nhân chủ quan, Chủ đầu tư chưa lường trước được rủi ro trong triển khai, chưa dự phòng các giải pháp ứng phó dẫn đến chậm thực hiện. Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ kiểm điểm sâu sắc và rút kinh nghiệm.

Một khó khăn khác trong giải ngân vốn ODA được đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu ra là thời gian tuân thủ thủ tục đấu thầu theo nhà tài trợ kéo dài.

Chẳng hạn, với gói thầu xây lắp đấu thầu quốc tế, thời gian đấu thầu có thể lên đến trên 10 tháng. Trong khi đó, thời gian thực hiện đấu thầu của gói thầu xây lắp trong nước thường chỉ từ 3 - 5 tháng. Do đó, Bộ đề nghị xây dựng khung chính sách chung giữa Việt Nam và các nhà tài trợ để rút ngắn thời gian thực hiện các dự án ODA. Mặt khác, với quy định mới của pháp luật về đất đai, các dự án từng bị dừng giải phóng mặt bằng để chờ khung giá mới có thể xảy ra tình trạng khiếu kiện, bởi nhiều hộ dân tuân thủ chính sách giải phóng mặt bằng được đền bù thấp, còn những hộ dân chây ì thì được đền bù cao hơn.

Ông Hoàng Hải cho rằng, việc chậm giải ngân vốn ODA có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân chủ quan, đặc biệt là việc chưa lường trước các rủi ro của dự án, cần xem xét rõ nguyên nhân này.

“Hiện nay, hành lang pháp lý với giải ngân vốn ODA không còn vướng mắc. Đặc biệt, Luật Đầu tư công (sửa đổi) cho phép phân cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư nên việc phê duyệt chủ trương đầu tư có thể tiến hành nhanh hơn”, ông Hải nói.

Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, việc chậm giải ngân vốn ODA không chỉ gây mất uy tín với các nhà tài trợ, ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế mà còn gây tổn thất cho ngân sách nhà nước từ phí lãi vay và phí rút vốn. Do đó, cần có giải pháp giải quyết tình trạng này, trong đó, có thể xem xét tăng kỷ luật bố trí vốn theo hướng cương quyết dừng bố trí vốn để các bộ, ngành tập trung giải ngân nguồn vốn tồn đọng cũ. Có thể xem xét chế tài với việc lập dự toán không sát, trả lại vốn do nguyên nhân chủ quan, chậm thực hiện các thủ tục dẫn đến giải ngân chậm.

Chuyên đề