Xem nhẹ thiết kế, “sai một li, đi một dặm”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khâu thiết kế là mắt xích quan trọng đầu tiên, là yếu tố “đầu vào” quyết định sự “thành - bại” của một công trình, nhưng chất lượng của công tác này chưa được chú trọng đúng mức. Trên thực tế, nhiều dự án bị “mắc kẹt”, đội vốn, chậm tiến độ khi phải điều chỉnh thiết kế sau đấu thầu. Theo đó, công tác này cần phải được đầu tư nguồn lực tài chính và quy định rõ trách nhiệm của đơn vị thiết kế để dự án khả thi từ bước đầu tiên…
Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đang phải “đắp chiếu”. Ảnh: Lê Tiên
Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đang phải “đắp chiếu”. Ảnh: Lê Tiên

Rắc rối điều chỉnh thiết kế sau đấu thầu

Điển hình cho những hệ lụy do sai sót từ khâu lập dự án, tư vấn thiết kế, thẩm định là 2 dự án bệnh viện lớn trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Hiện nay, Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (tổng mức đầu tư 4.990 tỷ đồng) đang phải “đắp chiếu” dù đã thi công được 97,8% giá trị hợp đồng (2.795/2.855 tỷ đồng). Dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 (tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng) cũng đang ngừng thi công dù khối lượng thực hiện đạt 86,3% giá trị hợp đồng (2.470/2.862 tỷ đồng).

Liên danh nhà thầu Tổng công ty 36 - Tổng công ty 319 - Tổng công ty Thành An (nhà thầu thi công Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2) cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến rắc rối và khó khăn cho quá trình thi công là sau khi Liên danh trúng Gói thầu EPC, Chủ đầu tư (Bộ Y tế) đã điều chỉnh phần thiết kế kiến trúc do Công ty VK của Bỉ thực hiện. Do điều chỉnh hồ sơ thiết kế cơ sở nên phải thay đổi tất cả các phần việc thiết kế như: kết cấu, các hệ thống cơ sở điện và điều hòa không khí, phát sinh tăng khối lượng rất nhiều so với hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu của Liên danh nhà thầu, dẫn đến giá trị khối lượng thực hiện thực tế của Dự án đến thời điểm hiện tại vượt tổng mức đầu tư được duyệt. Hiện tại, chưa có cơ sở để thanh toán phần khối lượng phát sinh cho Nhà thầu nên Dự án phải ngừng thi công.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận, 2 dự án bệnh viện trên khởi công năm 2015, đến năm 2016 thì Bộ Y tế phê duyệt điều chỉnh thiết kế cơ sở cho phù hợp với yêu cầu sử dụng. Tồn tại, vướng mắc lớn nhất tại 2 dự án là hồ sơ thiết kế cơ sở thiếu chi tiết, cách tính diện tích sàn của tư vấn không phù hợp với Quy chuẩn quốc gia; tổng mức đầu tư của 2 dự án được xác định trên cơ sở khái toán, chậm điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư và không điều chỉnh dự án nên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Trần Kỳ Sơn - nguyên Chánh thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, công tác thiết kế ban đầu của Dự án rất quan trọng, là cơ sở để chuẩn bị mọi công đoạn đầu tư tiếp theo nhằm hiện thực hóa công trình. Nếu chất lượng thiết kế thấp, không chuẩn xác sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy phức tạp, gây lãng phí đầu tư khi “đưa gạo vào nấu mà không thành cơm”. Thực tế cho thấy, không ít dự án đầu tư công dở dang, chậm tiến độ, đội vốn do phải khắc phục các sai sót trong khâu thiết kế. Trong tình huống này, cả chủ đầu tư và nhà thầu thi công rơi vào thế bế tắc vì loay hoay làm các thủ tục điều chỉnh, phê duyệt lại dự án, thậm chí phải đập bỏ một số hạng mục đã thi công vì không phù hợp thực tế.

Hiệu trưởng một trường cao đẳng nghề tại miền Trung cho biết, nhà trường từng gặp rắc rối tại một dự án do sai sót trong thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công. Nhà thầu đã bắt tay thực hiện một số hạng mục nhưng giữa chừng phải dừng vì vướng quy hoạch. Bản vẽ thiết kế công trình xác định sai tọa độ, có sai số rất lớn khiến công trình quy mô nhỏ mà chậm tiến độ nhiều năm vì phải làm thủ tục điều chỉnh, phê duyệt lại.

Công tác thiết kế dự án là “đầu vào” của một dây chuyền đầu tư công trình. Ảnh: T. Tùng

Công tác thiết kế dự án là “đầu vào” của một dây chuyền đầu tư công trình. Ảnh: T. Tùng

Giải “bài toán gốc” từ đâu?

Theo lãnh đạo Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta, có 2 loại hợp đồng khiến nhà thầu xây dựng chịu rủi ro và thiệt thòi nhất khi phải điều chỉnh hoặc thay đổi thiết kế thi công là hợp đồng trọn gói và hợp đồng EPC. Nguyên nhân là yếu tố khách quan từ bên ngoài, do khâu thiết kế có sai sót hoặc “lỗi thời” nên không thể thi công theo thiết kế đã duyệt, mà nhà thầu không có cách gì để được thanh toán các khối lượng phát sinh quá lớn. Với loại hợp đồng EPC mà nhà thầu đảm nhận luôn công tác thiết kế thì khâu thiết kế bao giờ cũng rất cẩn trọng và kỹ lưỡng nên ít xảy ra rủi ro phát sinh phải điều chỉnh thiết kế thi công. Chính vì thế, đối với những gói thầu EPC quy mô lớn, nhà thầu đều đàm phán để được tham gia ngay từ đầu (khâu thiết kế cơ sở) để giảm thiểu vướng mắc trong quá trình thi công.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ của một công ty tư vấn thiết kế ở Bình Phước cho biết, sai sót trong khâu thiết kế ở nhiều công trình, dự án là do khâu này được thực hiện một cách sơ sài, thiếu nghiên cứu, khảo sát thực địa, chỉ dựa sơ bộ vào bản đồ quy hoạch chi tiết. Mặt khác, ở bước lập thiết kế cơ sở phục vụ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đa số các dự án chưa được phê duyệt đầu tư, chưa có nguồn tiền để giải ngân và chi trả cho khâu thiết kế nên thiết kế chủ yếu là “làm không lương”. Khi dự án được phê duyệt đầu tư thì mới được giải ngân khoản tiền cho công tác lập thiết kế. Do đó, nhân sự thiết kế dự án không có động lực để chú trọng xây dựng và làm tốt công tác thiết kế. Đó là chưa kể chất lượng đội ngũ thiết kế, thẩm định nhiều nơi, nhiều chỗ còn yếu kém nên sai số rất lớn so với thực tế, “lỗ hổng” trong khâu thiết kế cứ thế đi vào quá trình thi công.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, công tác thiết kế dự án là “đầu vào” của một dây chuyền đầu tư công trình nên việc lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế, nhân sự làm công tác này phải hết sức kỹ càng thì mới bảo đảm chất lượng thực hiện. Bởi vì chỉ cần đo đạc có sai số hoặc không chính xác là thay đổi cự ly vận chuyển, thay đổi vị trí thi công các hạng mục công trình, ảnh hưởng đến tính khả thi trong thực hiện và chất lượng công trình. Các chủ đầu tư, địa phương không nên vì áp lực giải ngân đầu tư công mà làm công tác thiết kế dự án nhanh, vội, bởi có thể dẫn đến vướng mắc, chậm hoặc “tắc” giải ngân đầu tư công. Ngoài chú trọng chất lượng của đội ngũ nhân lực làm tư vấn thiết kế, các chủ đầu tư cũng cần bố trí đủ thời gian cần thiết để họ làm tốt công việc này, không nên “ép tiến độ” bởi có thể dẫn đến chất lượng thiết kế không đạt yêu cầu do phải làm tắt, rút ngắn quy trình thực hiện.

TS. Nguyễn Việt Hùng - chuyên gia về đấu thầu cho rằng, cần có những chế định cụ thể để làm rõ trách nhiệm của các đơn vị tư vấn thiết kế khi chất lượng công tác này không bảo đảm, sai số lớn, thậm chí là không đúng với thực tế, gây lãng phí đầu tư ở các bước tiếp theo. Đồng thời, có hình thức xử phạt, đền bù tương ứng với hệ lụy phát sinh do sai sót của công tác thiết kế. Xưa nay, việc phân định trách nhiệm của đơn vị tư vấn thiết kế vẫn bị xem nhẹ nên chất lượng tư vấn thiết kế còn nhiều hạn chế, nhất là các công trình quy mô cấp huyện, cấp xã. Nếu không có giải pháp giám sát chặt chất lượng đầu vào của thiết kế cơ sở, thiết kế thi công thì hệ lụy sẽ vô cùng phức tạp, nguy cơ chậm tiến độ và lãng phí đầu tư là rất lớn.

Mặt khác, theo một chuyên gia đầu tư, pháp luật cần có cơ chế để các địa phương, bộ, ngành có một quỹ ngân sách dành riêng cho công tác lập, chuẩn bị đầu tư dự án thì mới có khoản tiền “chủ động” dành cho việc lập thiết kế dự án. Điều này sẽ góp phần bảo đảm chất lượng lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nếu được đầu tư sẽ giảm thiểu hệ lụy phát sinh do sai sót trong khâu thiết kế, tránh lãng phí ngân sách nhà nước.

Chuyên đề