Xây tầm nhìn dài hạn cho tương lai Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Lập Quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG) là cơ hội rất lớn để Việt Nam đánh giá lại hiện trạng phát triển và tổ chức không gian phát triển một cách thực chất, tổng thể, qua đó cụ thể hóa đường hướng phát triển đất nước; định hình không gian, lộ trình và nguồn lực phát triển dài hạn. Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị tư vấn chính lập QHTTQG về bản quy hoạch đặc biệt này.
Xây tầm nhìn dài hạn cho tương lai Việt Nam

Xin ông chia sẻ những nhiệm vụ và mục tiêu chính khi lập QHTTQG?

QHTTQG là công cụ quản lý của Nhà nước trong việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội, nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực của quốc gia để phát triển đất nước nhanh và bền vững; là cơ sở để lập quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và là căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công 5 năm và hằng năm.

Ngày 4/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP phê duyệt nhiệm vụ lập QHTTQG thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghị quyết đã xác định các mục tiêu của việc lập QHTTQG.

TS. Trần Hồng Quang

TS. Trần Hồng Quang

Cụ thể, đề xuất các quan điểm, mục tiêu phát triển, nhiệm vụ và giải pháp để đẩy nhanh việc thực hiện các khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 hướng tới phát triển bền vững trên các lĩnh vực: kinh tế - xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Xây dựng không gian phát triển quốc gia trên cơ sở kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng, gắn với khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, phát triển các ngành, các vùng.

Để thực hiện các mục tiêu trên, quá trình lập QHTTQG đã thực hiện một khối lượng nhiệm vụ nghiên cứu rất lớn. Cụ thể là tiến hành đánh giá toàn diện các điều kiện, yếu tố phát triển và hiện trạng phát triển của đất nước giai đoạn 2011 - 2020; xây dựng các kịch bản phát triển, đề xuất hệ thống các quan điểm, mục tiêu, những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở đó xác định phương hướng phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực và theo vùng, lãnh thổ. Bên cạnh việc đề ra các định hướng chung, QHTTQG đã chú trọng nội dung về giải pháp, nguồn lực thực hiện để bảo đảm tính khả thi của quy hoạch.

Như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiều lần chia sẻ, lập QHTTQG là công việc khó bởi được làm lần đầu tiên, chưa có tiền lệ, quy mô rộng, nhiệm vụ lớn, phức tạp, nhạy cảm. Trong quá trình xây dựng, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham vấn ý kiến chuyên gia được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Về kinh nghiệm quốc tế, qua khảo sát của chúng tôi, có khoảng 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã tiến hành xây dựng, ban hành các văn bản chính sách có nội hàm là một quy hoạch tổng thể quốc gia, theo nghĩa là xác định mô hình phát triển không gian ở cấp độ quốc gia. Các văn bản đó mang các tên gọi như “chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển không gian quốc gia”, “quy hoạch vật thể quốc gia”, “quy hoạch tổng thể lãnh thổ quốc gia”… Trong số đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặc biệt quan tâm đến việc học hỏi kinh nghiệm của hai quốc gia có những điều kiện tương đồng với Việt Nam là Hàn Quốc và Malaysia.

Mặc dù có những khác biệt do quy định về pháp luật đối với QHTTQG giữa các nước, chúng tôi đã tiếp thu tối đa kinh nghiệm quốc tế vào quá trình lập QHTTQG của Việt Nam lần này. Kinh nghiệm các nước cho thấy, một QHTTQG phải xác định được các nguyên tắc và cấu trúc phát triển theo không gian của đất nước, trong đó định hướng khu vực trọng điểm phát triển và các quan hệ liên kết lãnh thổ, thường dưới hình thức các hành lang kinh tế.

Trước khi nói về việc tham vấn, lấy ý kiến, tôi xin nhấn mạnh, lập QHTTQG là một quá trình có sự tham gia hết sức rộng rãi. Thứ nhất là sự phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các bộ, ngành, địa phương để xây dựng Định hướng QHTTQG, báo cáo Chính phủ và Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho ý kiến. Thứ hai là sự phối hợp giữa đơn vị tư vấn chính là Viện Chiến lược phát triển cùng hơn 20 đơn vị tư vấn chuyên ngành do các bộ đề xuất, lập tổng cộng 41 hợp phần quy hoạch thuộc các ngành, lĩnh vực để tích hợp nội dung, xây dựng QHTTQG.

Về việc tham vấn các chuyên gia, có thể khẳng định thời gian vừa qua, chúng tôi đã huy động được sự tham gia rộng rãi của các chuyên gia trong và ngoài nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với một số chuyên gia của Ngân hàng Thế giới ngay từ giai đoạn đầu xây dựng Quy hoạch, đưa ra những nhận định khái quát mang tính nguyên tắc để định hướng cho quá trình lập quy hoạch và tham gia vào một số nội dung cụ thể trong quy hoạch (về phát triển các hành lang kinh tế, vùng động lực, hệ thống đô thị trung tâm vùng, hạ tầng khung...). Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức nhiều hội thảo tham vấn chuyên gia trong nước của nhiều ngành, lĩnh vực; tham vấn các tổ chức quốc tế và các công ty tư vấn quốc tế về QHTTQG. Một hoạt động lấy ý kiến hết sức quan trọng nữa là Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo QHTTQG do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 10/8/2022. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trực tiếp tham dự hội nghị này.

Các ý kiến đóng góp đều rất đáng trân trọng, chúng tôi đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện nội dung của Quy hoạch đạt chất lượng cao nhất. Tất nhiên, cũng phải tính đến yếu tố là QHTTQG lần đầu tiên được lập tại nước ta, chắc chắn sẽ còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đây là quá trình cùng tiến tới nhận thức chung. Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn có tinh thần cầu thị, lắng nghe các ý kiến và thường xuyên chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu, hoàn thiện QHTTQG.

Để hiện thực hóa được QHTTQG, nguồn lực cần có rất lớn. Là đơn vị tư vấn chính lập QHTTQG, ông có thể chia sẻ, đâu là những giải pháp căn cơ để huy động nguồn lực xây dựng cũng như thực thi QHTTQG?

Tôi xin nêu rõ thêm là QHTTQG góp phần cụ thể hóa và triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua. Nhiệm vụ chủ yếu của QHTTQG là tổ chức không gian phát triển đất nước sao cho hiệu quả nhất để đạt được các mục tiêu mà Chiến lược đã đề ra. Việc huy động nguồn lực thực hiện QHTTQG cũng chính là để thực hiện các định hướng, mục tiêu của Chiến lược.

Các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cần xây dựng phương án cụ thể phát triển đô thị, khu công nghiệp, trung tâm logistics… gắn với các vùng động lực, hành lang kinh tế ưu tiên

Hệ thống giải pháp cho huy động nguồn lực mà QHTTQG đề ra khá toàn diện. Ví dụ, huy động nguồn lực theo các khu vực kinh tế, các giải pháp tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đồng thời đẩy mạnh thu hút tư nhân đầu tư các công trình hạ tầng theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hơn nữa chất lượng môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch nhằm thu hút các nguồn vốn từ khu vực ngoài nhà nước. Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, hệ thống quản lý hiện đại, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế trong nước. Đối với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, định hướng đẩy nhanh thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước không thuộc danh mục mà Nhà nước cần nắm giữ; tiền thu được từ cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, địa phương. Đối với phát triển các loại thị trường, cần hoàn thiện khung khổ luật pháp, chính sách phát triển các loại thị trường vốn, nhất là thị trường chứng khoán, thị trường vốn đầu tư mạo hiểm nhằm huy động nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, hoàn thiện chính sách thu ngân sách đối với đất đai, tài sản, tài nguyên; có cơ chế phù hợp để khai thác nguồn lực từ đất đai cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đối với nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài, việc huy động vốn vay nước ngoài cần được thực hiện với điều kiện, lãi suất ưu đãi, phù hợp, tập trung cho một số lĩnh vực chủ chốt, ưu tiên đầu tư cho các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững; đồng thời, tận dụng tối đa các cơ hội hợp tác và các nguồn tài chính quốc tế để chủ động huy động các nguồn lực cho phát triển nền kinh tế xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Một điểm khác biệt, điểm mới của QHTTQG là xác định rõ quan điểm phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững trong thời kỳ đến năm 2030. Do vậy, hệ thống giải pháp của QHTTQG cũng sẽ mang định hướng không gian rõ rệt hơn, cụ thể là tập trung cho các vùng động lực quốc gia, các hành lang kinh tế. Ví dụ, đối với đầu tư hạ tầng, sẽ ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới hạ tầng quy mô lớn của các vùng động lực và thúc đẩy hình thành các hành lang kinh tế ưu tiên. Đối với thu hút đầu tư, sẽ định hướng thu hút các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới vào các vùng động lực để từ đó tạo sức lan tỏa lớn...

QHTTQG là quy hoạch ở cấp cao nhất, làm cơ sở để lập các quy hoạch khác. Trong quá trình lập các quy hoạch chi tiết cấp địa phương cần chú ý tới các định hướng phát triển vùng động lực, hành lang kinh tế nào tại bản QHTTQG, thưa ông?

Như tôi đã đề cập, điểm mới của QHTTQG là xác định rõ quan điểm phát triển có trọng tâm, trọng điểm; quan điểm này được cụ thể hóa qua việc xác định các vùng động lực và hành lang kinh tế ưu tiên. Các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cần xây dựng phương án cụ thể phát triển đô thị, khu công nghiệp, trung tâm logistics… gắn với các vùng động lực, hành lang kinh tế ưu tiên.

Về các vùng động lực, trong giai đoạn đến năm 2030, định hướng phát triển 4 vùng động lực quốc gia trên cơ sở lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất trong các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, bao gồm vùng động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); vùng động lực phía Nam (TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu); vùng động lực miền Trung (khu vực ven biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi) và vùng động lực Đồng bằng sông Cửu Long (bao gồm các khu vực trên địa bàn một số tỉnh, thành phố như Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long) với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Các vùng động lực sẽ được định hướng tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và xúc tiến thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tăng trưởng kinh tế để trở thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy các địa bàn khác cùng phát triển.

Bên cạnh các vùng động lực quốc gia, định hướng từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ (khu vực Khánh Hòa và phụ cận).

Về các hành lang kinh tế, trong giai đoạn đến năm 2030, ưu tiên phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam (trên cơ sở trục giao thông Bắc - Nam bao gồm đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Quốc lộ 1A; đường sắt Bắc - Nam và đường sắt tốc độ cao…) và 2 hành lang kinh tế Đông - Tây là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Mộc Bài - TP.HCM - Vũng Tàu. Các hành lang kinh tế này kết nối các vùng động lực, đô thị, trung tâm kinh tế, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế để tạo lập và thúc đẩy các quan hệ liên kết phát triển, nâng cao hiệu quả tổng hợp.

Ngoài ba hành lang kinh tế ưu tiên nói trên, sẽ từng bước hình thành và phát triển các hành lang kinh tế trong dài hạn: hành lang kinh tế theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Tây qua địa bàn Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và 6 hành lang kinh tế Đông - Tây, bao gồm: Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội; Cầu Treo - Vũng Áng; Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng; Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau.

Chuyên đề