Xây lắp 38 trạm y tế tại Quảng Nam: Bao giờ chọn xong nhà thầu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Còn 3 tháng nữa sẽ kết thúc niên độ đầu tư đối với các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, 2 gói thầu xây lắp 38 trạm y tế tại tỉnh Quảng Nam sử dụng nguồn vốn này vẫn chưa chọn được nhà thầu.
Gói thầu Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị xây lắp (28 trạm y tế) tại Quảng Nam theo kế hoạch triển khai thi công vào ngày 1/7/2024 nhưng vẫn chưa chọn được nhà thầu. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Gói thầu Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị xây lắp (28 trạm y tế) tại Quảng Nam theo kế hoạch triển khai thi công vào ngày 1/7/2024 nhưng vẫn chưa chọn được nhà thầu. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Năm 2023, HĐND tỉnh Quảng Nam phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án xây mới, nâng cấp, cải tạo 5 trung tâm y tế cấp huyện và 76 trạm y tế tuyến xã. Các dự án này có tổng mức đầu tư hơn 296 tỷ đồng, thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 được Quốc hội thông qua từ năm 2022. Các dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, theo kế hoạch hoàn thành vào 31/12/2023, sau đó được Quốc hội cho phép kéo dài đến hết năm 2024. Nhưng đến thời điểm này, chỉ có 15 công trình trạm y tế xã đang triển khai thi công. Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, tiến độ triển khai các dự án quá chậm. Nhiều trạm y tế trong danh mục đầu tư đã tiến hành tháo dỡ, bàn giao mặt bằng nhưng đến nay vẫn chờ nhà thầu thi công.

Theo kế hoạch, Gói thầu Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị xây lắp (28 trạm y tế) có giá 55,96 tỷ đồng thuộc Dự án Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 76 trạm y tế tuyến xã, tỉnh Quảng Nam dự kiến triển khai thi công vào ngày 1/7/2024, hoàn thành vào 30/11/2024. Tuy nhiên, đến nay, Gói thầu vẫn đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Theo biên bản mở thầu ngày 29/7/2024, Gói thầu có 6 nhà thầu tham dự gồm: Liên danh 28 trạm y tế do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Saiko đứng đầu (giá dự thầu 45,833 tỷ đồng); Liên danh Thi công xây dựng 28 trạm y tế (giá dự thầu 47,993 tỷ đồng); Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng Hoàng Long Group - Công ty Hoàng Lan (giá dự thầu 48,479 tỷ đồng); Công ty CP Chương Dương (giá dự thầu 48,507 tỷ đồng); Liên danh Đỉnh Việt - Sen Ngọc - Đất Quảng (giá dự thầu 53,819 tỷ đồng); Công ty CP Đầu tư xây dựng Nguyễn Hoàng (giá dự thầu 55,958 tỷ đồng).

Đối với Gói thầu Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị xây lắp (10 trạm y tế) có giá 25,909 tỷ đồng cùng thuộc dự án trên, theo biên bản mở thầu ngày 24/9/2024, có 7 nhà thầu tham dự, bao gồm: Liên danh Thi công 10 trạm y tế do Công ty TNHH Huy Như đứng đầu (giá dự thầu 21,348 tỷ đồng); Liên danh Hà Đông - Phú Hương (giá dự thầu 22,12 tỷ đồng); Liên danh nhà thầu LPG - NP (giá dự thầu 22,272 tỷ đồng); Liên danh Hoàng Lan - Thăng Long (giá dự thầu 22,291 tỷ đồng); Liên danh Nam Diên - Sơn Châu (giá dự thầu 22,619 tỷ đồng); Tổng công ty CP Công trình Viettel (giá dự thầu 23,575 tỷ đồng); Liên danh Hân Lộc - Bách Hưng Phú (giá dự thầu 23,961 tỷ đồng).

Năm 2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện 55 dự án/công trình với tổng vốn đầu tư hơn 690 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9/2024, tổng giá trị giải ngân mới đạt hơn 153 tỷ đồng, bằng 22,21% kế hoạch.

Ông Nguyễn Công Thành, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam cho biết: “Chủ đầu tư đang đôn đốc đơn vị tư vấn chấm thầu nhanh, dự kiến trong tuần này sẽ có kết quả, đảm bảo kịp tiến độ triển khai thi công cùng lúc 2 gói thầu với tổng cộng 38 trạm y tế trong tháng 10/2024”.

Một số nhà thầu tại Đà Nẵng và Quảng Nam từng tham gia các gói thầu tương tự cho biết, thời hạn thi công gói thầu 150 ngày (3 tháng) là rất gấp rút, đó là chưa kể 3 tháng cuối năm tại Quảng Nam thường mưa bão kéo dài, sẽ càng khó khăn và có thể ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Bên cạnh đó, các nhà thầu cho rằng, hình thức mời thầu gộp cũng gây khó khăn cho công tác đánh giá hồ sơ dự thầu. Mỗi trạm y tế có vốn đầu tư từ 1,2 tỷ đồng đến 4 tỷ đồng. Việc gộp hàng chục trạm y tế vào một gói thầu dẫn đến lựa chọn nhà thầu thêm phức tạp, kéo dài. Trong khi đó, các gói thầu nhỏ thường có tính cạnh tranh cao, tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tham gia đấu thầu.

Trước tình trạng chậm tiến độ, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Chủ đầu tư phải đảm bảo giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn trước ngày 31/12/2024, nếu không giải ngân hết phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng nhấn mạnh: “Việc thực hiện quy trình đấu thầu tại các dự án này quá chậm. Một số gói thầu đã mở thầu một thời gian dài nhưng quá trình xét thầu quá lâu, chưa công bố kết quả trúng thầu khiến dự án chậm triển khai. UBND Tỉnh đã trực tiếp làm việc với chủ đầu tư, đôn đốc khẩn trương thực hiện xét thầu, sau đó ký hợp đồng với nhà thầu và cho tạm ứng vốn theo tỷ lệ hợp đồng, đôn đốc tiến độ thi công để có thể giải ngân. Tuyệt đối không để xảy ra việc Trung ương thu hồi nguồn vốn này”.

Chuyên đề