Xây dựng niềm tin trong mối quan hệ giữa Nhà nước và nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) luôn được khuyến khích nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước cũng như khai thác hiệu quả năng lực về công nghệ, quản lý của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, kết quả triển khai dự án PPP trên thực tế chưa đạt được sự kỳ vọng.
Xây dựng niềm tin trong mối quan hệ giữa Nhà nước và nhà đầu tư

Để đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư tiềm năng này, theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần xây dựng cơ chế, chính sách đầy đủ, hài hòa hóa lợi ích của các bên.

Ông đánh giá thế nào về kết quả triển khai dự án PPP, nhất là kể từ khi Luật PPP có hiệu lực?

Tình hình triển khai các dự án PPP trong thời gian gần đây không mấy khả quan. Trong lĩnh vực giao thông, nhiều dự án đã đi vào hoạt động có doanh thu thấp, trung bình chỉ đạt 50% - 80% phương án tài chính. Cá biệt có những dự án doanh thu dưới 30% dự toán. Chỉ một số ít dự án có lưu lượng xe tốt thì đạt được kế hoạch đề ra.

Đối với các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị thì việc triển khai cũng không thành công. Tiêu biểu là các dự án trong trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã phải chuyển từ đầu tư PPP sang đầu tư công do không kêu gọi được vốn.

Ông Đậu Anh Tuấn

Ông Đậu Anh Tuấn

Trong lĩnh vực năng lượng, các dự án BOT nhà máy điện đã đi vào hoạt động tương đối thành công. Tuy nhiên, từ khi Luật PPP có hiệu lực đến nay thì không có thêm các dự án nhà máy điện mới áp dụng phương thức đầu tư này. Thậm chí có dự án còn chuyển từ PPP sang hình thức nhà máy điện độc lập.

Trong bối cảnh như vậy, hiện nay cũng không có nhiều dự án được các cơ quan nhà nước đưa ra để mời gọi đầu tư theo phương thức PPP. Nguyên nhân của sự trầm lắng này đến từ cả hai phía là Nhà nước và nhà đầu tư.

Hệ thống pháp luật về PPP đã cơ bản được hình thành, nhưng vì sao kết quả triển khai dự án PPP vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng, thưa ông?

Có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan.

Về mặt khách quan, những diễn biến của thị trường vốn không còn thuận lợi như trước đây. Lãi suất hiện nay tăng cao hơn so với giai đoạn 2011 - 2016, kể cả nội tệ và ngoại tệ. Nguồn cung tín dụng dài hạn trong nước bị thắt chặt theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước nhằm tăng cường an ninh tiền tệ. Các ngân hàng thận trọng hơn khi thẩm định tín dụng các dự án BOT giao thông do những khoản nợ xấu trước đây để lại.

Về mặt chủ quan, có một số vấn đề cần phải kể đến như các bộ chuyên môn chậm ban hành văn bản hướng dẫn; một số cơ quan thiếu năng lực chuyên môn để chuẩn bị dự án; một số vấn đề mới phát sinh chưa có hướng dẫn cụ thể như cấu phần xây dựng trong dự án O&M và đặc biệt là việc thiếu các biện pháp chia sẻ rủi ro của Nhà nước đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư. Các nhà đầu tư muốn có thêm các biện pháp bảo lãnh để chia sẻ rủi ro, bao tiêu một phần sản phẩm, giảm bớt điều kiện của biện pháp chia sẻ rủi ro doanh thu.

Tuy nhiên, ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến sự thiếu vắng cơ chế giải quyết tranh chấp đáng tin cậy, cơ chế thực thi phán quyết của trọng tài và tòa án, đặc biệt là khi có vi phạm từ phía cơ quan nhà nước. Điều này không chỉ khiến các dự án đã đi vào hoạt động trước đây lâm vào bế tắc mà còn khiến nhà đầu tư ngần ngại tìm hiểu các dự án mới.

Dự án PPP là khó và phức tạp, vì liên quan đến nhiều bên. Vậy, làm thế nào để hài hòa lợi ích của các bên trong chính sách đầu tư PPP?

Tôi cho rằng việc giới hạn các biện pháp bảo đảm đầu tư có lẽ chưa phù hợp với thực tiễn các dự án PPP vô cùng đa dạng. Ví dụ, các dự án BOT giao thông thì quan tâm đến rủi ro doanh thu, trong khi các dự án BOT điện lại quan tâm đến rủi ro chi phí. Thêm vào đó, các phương án đầu tư còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến của thị trường thay đổi theo thời gian. Do đó, việc giới hạn biện pháp bảo đảm đầu tư sẽ vừa thừa lại vừa thiếu.

Có lẽ nên tiếp cận theo hướng trao quyền linh hoạt hơn cho quá trình áp dụng. Tuy nhiên, đi kèm với đó là các quy định công khai minh bạch để tránh việc một số cán bộ bắt tay với nhà đầu tư để đưa ra các cam kết quá cao từ phía Nhà nước. Sự giám sát của người dân, dư luận xã hội và các cơ quan dân cử, cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư có thể giúp hạn chế tình trạng này.

Có người ví một dự án PPP mấy chục năm có khi còn dài hơn một cuộc hôn nhân. Trong một mối quan hệ giữa Nhà nước và nhà đầu tư kéo dài như vậy, chắc chắn không thể tránh khỏi xung đột, tranh chấp. Do đó, một cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả, thượng tôn pháp luật, thượng tôn cam kết sẽ giúp hai bên xây dựng được niềm tin với nhau, từ đó mới có thể tiếp tục mối quan hệ lâu dài, hài hòa lợi ích.

Chuyên đề