Các nhà đầu tư kỳ vọng vào chính sách đột phá dành cho 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để có thể yên tâm lựa chọn các “đặc khu” làm điểm dừng chân đầu tư. Ảnh: Hoài Nam |
Báo Đấu thầu đã phỏng vấn ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế xung quanh việc xây dựng Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Xin ông cho biết về các mục tiêu cần đạt được khi xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt?
Thứ nhất, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cần thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013.
Thứ hai, tạo điều kiện xây dựng một mô hình động lực phát triển mới, có tính đột phá về thể chế hành chính và cơ chế, chính sách về kinh tế - xã hội để nâng cao sức cạnh tranh thu hút đầu tư của Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thứ ba, tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập, phát triển, quản lý và hoạt động của ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) để khai thác tốt nhất tiềm năng của các khu vực có lợi thế vượt trội này nhằm thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, quản lý tiên tiến; hình thành khu vực tăng trưởng cao và phương thức quản lý mới; tạo thêm nguồn lực và động lực, góp phần thúc đẩy nhanh việc phát triển và tái cơ cấu kinh tế cho tỉnh, vùng và cả nước.
Thứ tư, từ thực tiễn phát triển của các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có thể xem xét nhân rộng trong cả nước những cơ chế, chính sách và mô hình quản lý phù hợp, hiệu quả.
Thứ nhất, xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, bám sát và cụ thể hóa đầy đủ tinh thần và nội dung các quy định của Hiến pháp tại Chương 9 về chính quyền địa phương cũng như các quy định khác có liên quan trong Hiến pháp.
Thứ hai, mô hình được xây dựng tại Luật phải đảm bảo tính đột phá, mới nhưng phải đảm bảo giữ vững vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh; ổn định và phát triển toàn diện về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường.
Thứ ba, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải có bộ máy quản lý hành chính tinh gọn; có thẩm quyền phù hợp, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và điều hành các mặt hoạt động của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; được áp dụng thủ tục hành chính thuận lợi, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân theo chuẩn mực quốc tế.
Thứ tư, ngoài cơ chế, chính sách chung áp dụng đối với các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù riêng của từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để phù hợp với đặc điểm, tình hình và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng đơn vị.
Các yếu tố chính nào đảm bảo cho việc thực hiện có hiệu quả mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Việt Nam, thưa ông?
Trước hết, chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã có, cụ thể tại Hiến pháp năm 2013, Văn kiện Đại hội XII của Đảng tháng 1/2016, Nghị quyết số 142/2016/QH13 ngày 12/4/2016 của Quốc hội. Tại Thông báo số 21-TB/TW ngày 22/3/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về các Đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Bộ Chính trị đã có ý kiến chỉ đạo về thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đây là điều kiện thuận lợi để phát huy trí tuệ tập thể, huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào quá trình xây dựng và hoạt động của mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức bộ máy quản lý và hoạt động của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trong đó quan trọng là xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với các quy định về tổ chức bộ máy quản lý đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đảm bảo gọn nhẹ, hiệu quả, cung cấp các dịch vụ hành chính công có chất lượng trong thời gian ngắn và các quy định về cơ chế, chính sách kinh tế - xã hội thuận lợi, hấp dẫn, có sức cạnh tranh quốc tế. Để xây dựng Luật đảm bảo các nội dung như đã nêu trên cần rà soát cơ chế, chính sách của các quốc gia trên thế giới, cũng như rà soát các văn bản pháp luật có liên quan của Việt Nam. Theo đó, khối lượng công việc là tương đối lớn và là thách thức không nhỏ cho Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo.
Ngoài ra, cần lựa chọn được những cán bộ có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực để tham gia bộ máy chính quyền quản lý đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do đây là cơ quan quản lý đa ngành, đa lĩnh vực có yêu cầu cao về năng lực chuyên môn, kinh nghiệm trong việc chỉ đạo và thực hiện cung cấp dịch vụ hành chính công, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Cuối cùng, 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được lựa chọn thành lập là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc phải có các hướng đi riêng, hỗ trợ cho nhau, hạn chế phát triển theo một hướng để tránh cạnh tranh lẫn nhau, làm giảm sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư của các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Việc tìm kiếm và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có năng lực, uy tín, kinh nghiệm, nhất là các tập đoàn quốc tế lớn đầu tư vào đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là nội dung quan trọng, tạo sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư khác.
Trân trọng cảm ơn ông!