Xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Ai hỗ trợ, hỗ trợ ai?

Trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang chờ các chính sách hỗ trợ để lớn lên, thì câu hỏi ai hỗ trợ và hỗ trợ ai vẫn tiếp tục nóng trong các cuộc thảo luận.
Xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Ai hỗ trợ, hỗ trợ ai?

Lại bàn DNNVV là gì

Khi cuộc họp Ban soạn thảo Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) diễn ra tuần trước bước vào giai đoạn tranh luận về khái niệm DNNVV, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam xin phát biểu.

Ông nói: “Doanh nghiệp làng nghề “tủi thân” lắm, vì đọc cả 33 trang dự thảo lần hai của Luật này, không thấy được ghi tên chỗ nào, mà doanh nghiệp làng nghề xuất khẩu nhiều lắm, cả sản phẩm và văn hóa”.

Vấn đề nằm ở chỗ, theo tiêu chí xác định DNNVV hiện hành, dựa trên tổng tài sản và số lao động, hay theo đề xuất mới của Ban soạn thảo, dựa trên doanh thu và số lao động, thì phần lớn doanh nghiệp làng nghề đều là DNNVV, nghĩa là thuộc đối tượng điều chỉnh của dự luật này. Vậy nhưng, ông Dần lại không nghĩ thế.

“Ban soạn thảo ghi cho cái tên để anh em làng nghề thêm phấn chấn, cũng để khi đi làm việc với các cơ quan hỗ trợ cũng dễ nói chuyện”, ông Dần tha thiết đề nghị.

Nếu như tính tới các đề nghị kiểu như bổ sung các doanh nghiệp sử dụng nhiều nữ vào đối tượng áp dụng của dự luật này, có thể thấy trước khó khăn của Ban soạn thảo về mục tiêu xây dựng luật chi tiết để thực hiện, chứ không phải là luật khung. Bởi khi ngay cả đối tượng được điều chỉnh cũng không rõ về vị trí của mình, thì việc xác định rõ các hoạt động hỗ trợ cụ thể tới đối tượng này, cũng như trách nhiệm của các cơ quan liên quan không hề dễ dàng khi nội dung hỗ trợ sẽ cắt ngang các ngành, lĩnh vực theo quá trình hình thành và hoạt động của DNNVV.

Cũng phải nói thêm, ngay cả tiêu chí xác định DNNVV cũng là nội dung nhận được nhiều ý kiến. Tiêu chí tổng nguồn vốn lâu nay vẫn được sử dụng cùng với tiêu chí về lao động. Tuy nhiên, đang có ý kiến cho rằng, tiêu chí này khó xác định, thường do các doanh nghiệp tự kê khai.

“Chúng tôi đề nghị thay thế bằng doanh thu, vì đây là tiêu chí phản ánh trạng thái đang hoạt động của doanh nghiệp. Cơ quan thuế cũng đang lấy tiêu chí này để xác định mức thuế, khai thuế, các ưu đãi thuế...”, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Thư ký Ban soạn thảo cho biết.

Tuy nhiên, nhược điểm của tiêu chí này là tính ổn định thấp, có thể năm nay có hợp đồng lớn, doanh thu sẽ tăng vọt, doanh nghiệp nằm ở quy mô vừa, nhưng năm tới có thể không, lại rơi vào nhóm quy mô nhỏ…

Ai sẽ hỗ trợ DNNVV

Trở lại mục tiêu của dự luật, đó là tạo điều kiện thuận lợi và tạo cơ hội cho các DNNVV có tiềm năng, từ đó hình thành được lực lượng doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, phát triển hiệu quả trên cơ sở các lợi thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra ngay từ khi bắt đầu khởi thảo, đó là thuận lợi là gì và các doanh nghiệp sẽ nhận được hỗ trợ gì, như thế nào. Dự thảo lần hai đã bắt đầu đưa ra bức tranh khá rõ, với 8 điều, quy định từ nội dung cải thiện môi trường kinh doanh đến hỗ trợ tài chính, tiếp cận đất đai, hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ, xúc tiến, mở rộng thị trường... Đi kèm đó là các chương trình mục tiêu để thúc đẩy doanh nghiệp khởi sự, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành. Các cơ quan thực hiện hỗ trợ có cả Nhà nước, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp.

Các nội dung này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu DNNVV cần hỗ trợ những gì. Nguyên tắc hỗ trợ cũng được xác định là các dịch vụ công Nhà nước cần phải thực hiện để thúc đẩy năng lực của DNNVV.

Nhưng ông Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Các nhà quản trị Việt Nam vẫn chưa yên tâm. “Đây là một luật mới, khác với các luật thông thường, vì thực chất đây là một chương trình đầu tư quan trọng vào khu vực doanh nghiệp, tới mức cần phải luật hóa. Nhưng cũng bởi sự khác biệt đó, các nội dung của luật phải được quy định theo hướng thực thi được ngay, không chung chung, khẩu hiệu. Luật này cũng chỉ nên có hiệu lực trong khoảng 5 năm, sau đó sẽ chỉnh sửa theo yêu cầu của giai đoạn phát triển mới”, ông Tiến đề xuất.

Bên cạnh đó, tính khả thi của không ít các đề xuất được đặt ra cân nhắc, như ngân hàng thương mại phải bảo đảm tỷ lệ dư nợ cho vay tối thiểu với DNNVV là 30% tổng dư nợ, hay dành tỷ lệ tối thiểu 10% diện tích đất trong khu công nghiệp mới thành lập cho DNNVV thuê làm mặt bằng sản xuất…

“Cách hỗ trợ này mang nặng tính hành chính hơn là thị trường. Thử đặt câu hỏi, nếu dành ra 10% diện tích trong khu công nghiệp cho DNNVV, nhưng họ không đủ tiền thuê, thì chính sách này có hiệu quả không, hay vô hình trung hạn chế cả DNNVV và doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp. Tương tự với các ngân hàng thương mại”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đặt vấn đề.

Chuyên đề