Xây dựng chuỗi sản xuất thực phẩm sạch để giành thị phần

(BĐT) - Đầu tư sản xuất chế biến thực phẩm “sạch” sẽ tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp (DN) ngành chăn nuôi nội địa trước hội nhập. Nhưng để hình thành chuỗi sản xuất thực phẩm sạch khép kín thì còn nhiều việc phải làm.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đón đầu “trang trại đến bàn ăn”

Công ty TNHH Ba Huân cho biết, trong tháng tới sẽ khởi công Nhà máy Xử lý trứng sạch tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội, mở đầu cho chiến lược phát triển chuỗi thực phẩm “sạch” của Ba Huân tại thị trường Hà Nội. Ngoài ra, để nắm bắt cơ hội từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Công ty đang hướng tới việc xuất khẩu trứng vịt muối và thịt vịt đi các nước Đông Nam Á.

Bà Phạm Thị Huân (tức Ba Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân) chia sẻ, để đón đầu cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), cách đây vài năm, Công ty đã đầu tư khép kín một chu trình từ chăn nuôi đến chế biến, bảo đảm quy trình xử lý trứng sạch, xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn từ trang trại cho đến bàn ăn.

DN này hiện đã có Nhà máy Xử lý trứng sạch tại huyện Bình Chánh (TP.HCM) với tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng, là nhà máy hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á với hai dây chuyền có công suất xử lý 65.000 trứng/giờ và 120.000 quả/giờ. Công ty cũng chuẩn hóa một trang trại chăn nuôi quy mô 18 ha tại tỉnh Bình Dương với tổng vốn đầu tư 320 tỷ đồng, như một kiểu mẫu của ngành công nghiệp chăn nuôi “sạch” hiện đại nhất từ chuồng trại, con giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi…

Tương tự Ba Huân, để “đua” thị phần thực phẩm sạch và đón sóng hội nhập, vài năm trước, Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) đã đầu tư 2.600 tỷ đồng để xây dựng cụm công nghiệp thực phẩm khép kín, tạo tiền đề hướng tới việc sản xuất sạch, an toàn "từ trang trại đến bàn ăn". Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan cho biết, tính đến nay, Công ty cung cấp thịt heo đạt chứng nhận VietGAP và thịt bò Úc nhập khẩu theo tiêu chuẩn ESCAS tại 224 điểm. Dự kiến trong năm nay, Vissan sẽ nâng lên 249 điểm bán. 

Cần vốn cho chuỗi khép kín

Giới chuyên gia lưu ý, để mô hình chuỗi thực phẩm sạch khép kín thành công, bên cạnh nỗ lực của bản thân DN thì vẫn cần chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Cụ thể là cần xem xét hỗ trợ cho DN có năng lực thực sự tiếp cận dễ dàng hơn về vốn vay, cơ chế chuyển giao công nghệ, nhất là các công nghệ về gen giống. Nếu có được sự hỗ trợ tốt, DN nội sẽ mạnh dạn đầu tư, giúp người chăn nuôi có thu nhập tốt hơn, người tiêu dùng được tiếp cận thực phẩm giá rẻ và an toàn.

Tại TP.HCM, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Đề án Chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, mô hình chuỗi sản xuất thực phẩm sạch đã có những thành tựu đáng kể. TP.HCM đã xây dựng 2 vùng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và được Tổ chức độc lập Vietcert chứng nhận cho 646 mô hình chăn nuôi đạt tiêu chuẩn GAP. Ngoài ra, Thành phố còn nâng cấp 22 chợ thực phẩm tươi sống và hỗ trợ thiết bị cho 9 lò mổ trong thực hiện Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap).

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi TPP có hiệu lực, việc nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi liên lết sản xuất chăn nuôi là yêu cầu cấp thiết. Phát triển ngành chăn nuôi theo chuỗi liên kết là hoàn toàn có tính khả thi, mang lại lợi nhuận cho cả người chăn nuôi và các DN tham gia chuỗi. Tuy nhiên, để phát triển mạnh mô hình này, cần xây dựng quy hoạch chi tiết cho các vùng phát triển sản xuất chăn nuôi phù hợp với quy hoạch nông nghiệp tổng thể. Ngoài ra, cần hỗ trợ, tạo điều kiện pháp lý thông thoáng để thu hút các DN đầu tư phát triển chăn nuôi khép kín theo chuỗi.                 

Chuyên đề