Xây dựng bộ tiêu chí đo lường doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chiều 11/12/2021, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo Báo cáo nghiên cứu phát triển bộ tiêu chí doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Hội thảo Báo cáo nghiên cứu phát triển bộ tiêu chí doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến vào chiều 11/12/2021
Hội thảo Báo cáo nghiên cứu phát triển bộ tiêu chí doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến vào chiều 11/12/2021

Báo cáo nhằm cung cấp thông tin nghiên cứu tổng quát về các bộ tiêu chí đánh giá doanh nghiệp (DN) ĐMST trên thế giới, từ đó phân tích và đề xuất bộ tiêu chí cho DN ĐMST Việt Nam. Việc sử dụng bộ tiêu chí có thể giúp xác định mức độ ĐMST của từng DN và làm căn cứ xây dựng các chương trình hỗ trợ DN, tôn vinh DN ĐMST để tạo động lực phát triển, tìm kiếm các DN ĐMST có tiềm năng cũng như đề xuất ưu đãi về chính sách cho nhóm này.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC nhấn mạnh, Việt Nam đang thiếu bộ tiêu chí đo lường khách quan và khoa học về mức độ ĐMST đối với các cơ quan nhà nước cũng như các DN. Trong giai đoạn đầu thực hiện các chủ trương, chính sách về ĐMST, cần có công cụ đo lường mức độ ĐMST một cách cụ thể nhằm có những giải pháp phù hợp thúc đẩy ĐMST cho DN Việt Nam.

Báo cáo nghiên cứu phát triển bộ tiêu chí DN ĐMST Việt Nam được chia thành 5 phần. Phần một là sự phát triển của doanh nhân ĐMST và kinh tế với các nghiên cứu tổng thể về doanh nhân khởi nghiệp ĐMST tại các nước phát triển, phân loại về doanh nhân khởi nghiệp ĐMST, hệ thống ĐMST quốc gia và các chính sách về ĐMST.

Phần hai là định nghĩa và phương pháp đo lường về doanh nhân và ĐMST trên thế giới như OECD, GII, GERA, WEF, GEDI, mô hình của Kauffman Foundation, GSER…

Tiếp đó là phần đo lường DN ĐMST tại Việt Nam, bao gồm các thông tin phân tích về tình hình kinh tế chung của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đối với các lĩnh vực về ĐMST, những thông tin đánh giá chung về hệ sinh thái ĐMST Việt Nam và phương pháp đo lường DN ĐMST Việt Nam hiện nay.

Phần bốn là xây dựng tiêu chí đánh giá, đo lường DN ĐMST Việt Nam, trong đó có nghiên cứu các phương pháp và tiêu chí quốc tế đang áp dụng để đánh giá về DN ĐMST trên thế giới; nghiên cứu những tiêu chí đánh giá DN ĐMST tại Việt Nam.

Phần 5 tập trung vào những vấn đề phát hiện chính, khuyến nghị cho nhà quản lý và chính sách.

Báo cáo đã tìm thấy mối tương quan giữa sự phát triển của hệ sinh thái ĐMST với sự phát triển của DN ĐMST. Trên cơ sở đó, việc phát triển và xây dựng các tiêu chí đánh giá DN ĐMST sẽ được xây dựng căn cứ các mô hình áp dụng thành công trên thế giới và điều chỉnh cho phù hợp với mức độ phát triển của DN Việt Nam.

Với việc đưa ra định nghĩa chung về ĐMST, chi tiết hoá các tiêu chí đo lường DN ĐMST Việt Nam tại Báo cáo, ông Huy kỳ vọng, Báo cáo sẽ là công cụ hỗ trợ cho DN Việt Nam trong việc tự đo lường, đánh giá, xác định các phương thức tiếp cận để thúc đẩy ĐMST, từ đó cải thiện năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Theo kế hoạch, bản tiêu chí đánh giá sẽ được tiếp tục khảo sát và hoàn thiện để sớm cho ra mắt bộ chỉ số ĐMST DN hàng năm nhằm tạo cơ sở tôn vinh các DN ĐMST, từ đó truyền cảm hứng cho DN thúc đẩy ĐMST, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư