Xanh hơn, sạch hơn để phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Sau 30 năm xây dựng và phát triển khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT), đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thu hút các nguồn lực đầu tư trong và nước ngoài, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo hướng xanh, bền vững.

Các khu công nghiệp đang có xu hướng ưu tiên thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường, không thâm dụng tài nguyên. Ảnh: Lê Tiên
Các khu công nghiệp đang có xu hướng ưu tiên thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường, không thâm dụng tài nguyên. Ảnh: Lê Tiên

Tập trung phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao

Ông Bùi Minh Hồng, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch phát triển KCN đến năm 2020 là 18 KCN với quy mô 5.228 ha, diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch là 3.332 ha. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài KCN được quan tâm đầu tư và ngày càng hoàn thiện, hiện đã có 9 KCN với tổng diện tích 1.842,62 ha.

Thời gian qua, Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của Tỉnh triển khai tốt công tác quy hoạch, thu hút các dự án đầu tư vào các KCN, tập trung phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao. Trong quá trình thẩm định, cấp phép cho các dự án đầu tư, Vĩnh Phúc luôn ưu tiên thu hút các dự án sản xuất (hoặc gia công) thuộc các lĩnh vực/ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường, không thâm dụng tài nguyên (nước, lao động, đất đai). Tiêu biểu trong nhóm này là các dự án đầu tư vào KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, thuộc các lĩnh vực như: cơ khí, linh kiện ô tô, linh kiện điện tử…

Trên cơ sở đó, Ban đề ra các tiêu chí cụ thể để đạt mục tiêu thu hút đầu tư xanh gắn với tăng trưởng bền vững, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ việc thẩm tra trong quá trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đối với việc thu hút FDI là các dự án quy mô nhỏ, siêu nhỏ phải đảm bảo điều kiện nâng cấp công nghệ và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển công nghiệp hỗ trợ…

Hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Ông Bùi Hoàng Mai, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh

Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển các KCN, đến nay, Bắc Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 16 KCN với tổng diện tích 6.397,68 ha; 10 KCN đi vào hoạt động. Tỷ lệ lấp đầy của các doanh nghiệp đã hoạt động hiện đạt 61,69%.

Các KCN Bắc Ninh đã khẳng định vị trí, thương hiệu thông qua thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, có nhiều dự án của các nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn Samsung, Canon, Foxconn, Sumitomo…

Việc áp dụng KCN sinh thái là một trong những giải pháp để hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Do đó, trong thời gian qua, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh đã thực hiện rất nhiều giải pháp. Đầu tiên là thực hiện tốt công tác quy hoạch các phân khu chức năng. Thứ hai, trước khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp phải đầu tư các công trình bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và theo quy định của pháp luật.

Ban kiên quyết không cấp giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký đầu tư cho dự án đầu tư vào các KCN chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải; các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; không điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký đầu tư cho các cơ sở không xây dựng công trình bảo vệ môi trường, không thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường.

Các KCN Bắc Ninh cũng đang từng bước triển khai, sao cho sự hợp tác giữa các doanh nghiệp đạt hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững thông qua việc quản lý năng lượng, nước và nguyên liệu sử dụng, giảm chi phí sản xuất… Tuy nhiên, để phát triển mô hình này, rất cần một hệ thống chính sách cụ thể, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện.

Tập trung thu hút dự án thương mại, dịch vụ và du lịch quy mô lớn

Ông Hoàng Đình Phi, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa

Ban Quản lý KKT Vân Phong là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Khánh Hòa, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với KKT Vân Phong và các KCN trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Trong năm 2019, Ban thu hút 6 dự án vào KKT Vân Phong và KCN Suối Dầu với tổng vốn đăng ký 400 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 17 dự án với tổng vốn đăng ký tăng thêm 337,6 tỷ đồng.

Ban đang tích cực triển khai các thủ tục để thu hút và lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN và một số khu đô thị tại các phân khu chức năng của KKT Vân Phong. Trong đó, tập trung thu hút đầu tư các dự án phát triển các ngành thương mại, dịch vụ và du lịch cao cấp có quy mô lớn trên cơ sở phù hợp quy hoạch được phê duyệt và chủ trương cho phép thực hiện của Tỉnh ủy (Khu phi thuế quan, Khu đô thị Tuần Lễ - Hòn Ngang...)…

Phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc với tiêu chí “3 cao, 3 thấp”

Ông Trần Đắc Trung, Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Tính đến nay, Khu công nghệ cao (KCNC) Hòa Lạc đã thu hút được 92 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng gần 90.000 tỷ đồng. Trong đó, 51 dự án đã và đang đi vào hoạt động. Đáng chú ý, có nhiều dự án tiêu biểu, có sức lan tỏa, dẫn dắt về công nghệ cả trong và ngoài nước như: Nidec (Nhật Bản), Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Nissan Techno (Nhật Bản), DT&C (Hàn Quốc)...; Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT, Công ty FPT, Tập đoàn Vingroup...

Nằm trong vùng lõi của Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lấy khoa học, công nghệ, đào tạo, nghiên cứu công nghệ cao làm động lực phát triển gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tiệm cận với xu hướng phát triển KCN, khu khoa học, KCNC xanh, sinh thái của Việt Nam và thế giới, Ban Quản lý KCNC Hòa Lạc đặt tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao với định hướng “3 cao, 3 thấp”. Trong đó, “3 cao” là công nghệ cao, vốn đầu tư cao và mang lại giá trị gia tăng cao; “3 thấp” là ảnh hưởng đến môi trường thấp, nhu cầu sử dụng lao động thấp và nhu cầu sử dụng năng lượng, tài nguyên thấp.

Thứ hai là ưu tiên lựa chọn dự án đầu tư tạo chuỗi liên kết các trường đại học, viện nghiên cứu - triển khai và doanh nghiệp. Mục tiêu hướng đến việc hình thành một số ngành công nghệ mũi nhọn để từ đó thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ và sản xuất; phát triển nguồn nhân lực cao, công nghệ mới, sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, ươm tạo và phát triển doanh nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo.

Để thu hút được những dự án đầu tư theo những tiêu chí trên và tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư trong thời gian tới, Ban Quản lý KCNC Hòa Lạc sẽ tiếp tục tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng kết nối đồng bộ trong và ngoài Khu, tiếp tục kiến nghị những vấn đề còn tồn tại để tháo gỡ về cơ chế chính sách, hướng tới tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất trong thu hút và triển khai các dự án đầu tư…

Kiên quyết từ chối dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Ông Cao Thanh Thương, Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định

Trong thời gian qua, Bình Định định hướng tập trung thu hút đầu tư các dự án trọng điểm, các dự án hạ tầng, đặc biệt là các dự án du lịch, dịch vụ nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh, nhất là trên địa bàn KKT Nhơn Hội. Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào KKT và các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, Tỉnh vẫn giữ vững định hướng trong việc lựa chọn thu hút dự án đầu tư có chất lượng, nhất là đảm bảo tiêu chí xanh, hàm lượng công nghệ cao nhằm hướng tới phát triển bền vững.

Theo định hướng đó, Tỉnh chú trọng kêu gọi đầu tư theo hướng có lựa chọn các tập đoàn, các nhà đầu tư có thương hiệu, có kinh nghiệm và năng lực tài chính đến từ các quốc gia có nền công nghiệp hiện đại, sở hữu công nghệ cao. Kiên quyết từ chối thu hút đầu tư hoặc mở rộng quy mô sản xuất đối với những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Lựa chọn những dự án sử dụng ít đất, ít lao động, hàm lượng công nghệ cao, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và hội nhập kinh tế quốc tế. Tiếp tục đẩy nhanh đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng KCN Becamex Bình Định với quy mô 1.000 ha, đảm bảo mặt bằng sạch, các dịch vụ logistics tạo thuận lợi thu hút đầu tư.

Tỉnh cũng giám sát chặt chẽ đảm bảo các quy định về môi trường, về đầu tư công nghệ và các yếu tố về phát triển bền vững trong quá trình thực hiện dự án, gắn với tổ chức đánh giá và trao Danh hiệu Doanh nghiệp xanh cho các dự án đầu tư trong KKT, KCN trên địa bàn Tỉnh.

Nói không với những dự án tỷ USD vì không phù hợp

Ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Chủ trương của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong thu hút đầu tư là chọn lọc các dự án có quy mô lớn, hàm lượng công nghệ cao, sản phẩm có sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường. UBND Tỉnh đã ban hành danh mục sản phẩm ưu tiên thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chất lượng cao và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2017 - 2020, trong đó tập trung vào các nhóm ngành: cơ khí chế tạo, công nghiệp hóa chất và công nghiệp vật liệu.

Toàn Tỉnh hiện có khoảng 441 dự án sản xuất công nghiệp đang hoạt động trong các KCN, trong đó có 23 dự án hoạt động về lĩnh vực công nghiệp chất lượng cao. Đặc biệt, giai đoạn 2016 - 2020, KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút được một số dự án quy mô lớn, vốn đầu tư trên 1 tỷ USD, sử dụng công nghệ hiện đại là Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và Kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) của Tập đoàn Hyosung; Dự án Đầu tư xây dựng nhà máy kính nổi siêu trắng; Nhà máy Giấy Marubeni.

Từ tháng 9/2014, Tỉnh đã định hướng thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư, như: khuyến khích thu hút đầu tư gắn với quy hoạch và chủ trương chuyển dịch, tái cơ cấu kinh tế; tập trung vào các tập đoàn kinh tế lớn, có công nghệ hiện đại, bảo đảm tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường; ưu tiên thu hút một số ngành có lợi thế của Tỉnh.

Tỉnh đang quan tâm đến chất lượng của từng dự án đầu tư, nên việc đưa ra chỉ tiêu trên là đã cân nhắc kỹ. Có những dự án cả tỷ USD nhưng không phù hợp với môi trường đầu tư của Tỉnh nên phải từ chối.

Điều chỉnh tổng thể quy hoạch, ưu tiên sản xuất sạch hơn

Ông Nguyễn Tiến Trị, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An

KKT Đông Nam Nghệ An được thành lập vào năm 2007, đến nay có tổng diện tích 20.776,47 ha, bao gồm các KCN: Hoàng Mai, Đông Hồi; KCN, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An. Ngoài KKT Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An còn có 6 KCN với tổng diện tích 1.660 ha. Tính đến tháng 7/2020, tỉnh Nghệ An đã quy hoạch chi tiết 10 KCN, với diện tích 5.850 ha.

Thời gian qua, xã hội hóa phát triển kết cấu hạ tầng KKT, KCN đang là bước đột phá của Tỉnh, hiện đã thu hút thành công 3 dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN với diện tích 1.537 ha (KCN, đô thị dịch vụ VSIP Nghệ An; KCN WHA Industrial Zone 1 Nghệ An; KCN Hoàng Mai I); đầu tư và đưa vào khai thác 5 bến tổng hợp tại cảng Cửa Lò cho tàu đến 30.000 tấn; 2 bến chuyên dùng xi măng cho tàu đến 70.000 tấn và bến xăng dầu cho tàu 49.000 tấn...

Với xu hướng phát triển KCN xanh, KCN sinh thái gắn với phát triển bền vững, Ban Quản lý KKT Đông Nam Nghệ An đã đưa ra các giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn.

Về giải pháp dài hạn, Ban sẽ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam Nghệ An, trong đó tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND Tỉnh đưa ra khỏi quy hoạch những khu chức năng khó triển khai, hoặc bị tác động bởi dân cư hiện hữu, tăng diện tích đất KCN, cùng với bố trí hài hòa, hợp lý khu đô thị, khu du lịch ven biển đảm bảo phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, an sinh xã hội.

Từng bước định hướng phát triển, cơ cấu lại để hình thành ít nhất 1 KCN sinh thái, theo tiêu chí hoạt động sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh trong công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội. Trước mắt, ưu tiên trong lĩnh vực xử lý rác thải gắn với tái tạo năng lượng, sản xuất phân bón hữu cơ, chế biến thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng không nung.

Còn về giải pháp ngắn hạn, Ban sẽ phối hợp với các nhà đầu tư phát triển hạ tầng VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, khuyến khích dự án có công nghệ sử dụng vật liệu tái chế, tái sử dụng năng lượng, chất thải, nước thải công nghiệp và dự án có tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu...

Chuyên đề