Petrolimex Sài Gòn đã có kết luận chính thức về sự cố nhiều xe đổ xăng A95 tại TPHCM bị chết máy. Theo đó, đại diện công ty này cho rằng, nguyên nhân là xăng chứa lâu ngày trong bồn, xăng lại có chứa thành phần tạo keo đã bị tách lớp đóng ở đáy bồn nên khi máy bơm hút hàng dưới đáy bồn khiến xăng bị lẫn thành phần tạo keo (nhựa) cao hơn quy định. “Hàm lượng nhựa cao hơn quy định là nguyên nhân làm bẩn bộ lọc nhiên liệu dẫn đến xe chết máy, hư hỏng”- thông báo từPetrolimex Sài Gòn, cho hay.
Trước đó, vào ngày 21- 22/1, hàng loạt ô tô và xe máy tại TPHCM sau khi đổ xăng A95 thì bị chết máy. Nhận được phản ánh, Petrolimex Sài Gòn đã cử cán bộ tiếp xúc khách hàng để tìm hiểu thông tin, đồng thời dừng bán xăng A95 ở tất cả các cửa hàng nhập lô hàng bị lỗi trong hai ngày này.
Ngoài ra, Petrolimex Sài Gòn rút hết xăng A95 tại các cửa hàng bị lỗi về nhập lại vào bồn đã xuất ra ở Tổng kho xăng dầu Nhà Bè. Theo Petrolimex Sài Gòn, sau đó đơn vị này đã cung cấp đầy đủ xăng A95 đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam từ bồn khác cho các cửa hàng và các đơn vị. Từ ngày 23/1 cho đến nay, các cửa hàng Petrolimex Sài Gòn bán xăng A95 đảm bảo hoàn toàn về chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Tuy nhiên, ngày 18/2 khi phóng viên liên hệ với chị Mai Liên - chủ nhân chiếc Mercedes bị chết máy được cho là do xăng A95 thì được biết, Petrolimex không bồi thường. Theo chị Liên, khi biết thông tin Petrolimex đã khắc phục sự cố và ngày 23/1 thì xăng A95 đã đảm bảo về chất lượng nên chiều ngày 27/1 chị đã đổ xăng này trở lại.
“Tôi đổ xăng tại cây xăng trên đường Nguyễn Văn Trỗi quận Phú Nhuận thì đến tối xe bị chết máy. Khi kéo vào hãng thì được biết nguyên nhân hư là do nhiên liệu”- chị Liên kể lại. Chị Liên liên hệ với Petrolimex thì được nhân viên xuống tiếp nhận và lấy mẫu xăng đi kiểm định. Ngày 1/2, chị Liên nhận được thông báo là xăng A95 đảm bảo chất lượng. “Công văn Petrolimex trả lời không phải dành riêng cho tôi mà như được in cho hàng loạt. Mẫu xăng cũng không do chính tôi đem đến nơi kiểm định. Petrolimex hiện vẫn chưa bồi thường thiệt hại cho tôi. Hiện, số tiền sửa xe hãng báo giá là 400 triệu đồng”- chị Liên bức xúc.
Theo kỹ sư Bùi Văn Cứ - Hội hóa học TPHCM, kết luận của Petrolimex xăng bị lẫn thành phần tạo keo cao hơn quy định khiến xe chết máy là không chính xác. Nguyên nhân sâu xa theo kỹ sư Cứ là nước được pha thêm vào.
“Nếu xăng đúng chuẩn theo quy định, khi đốt cháy sẽ bốc hơi hoàn toàn, không để lại chất gì. Còn đằng này, nhiều trường hợp xe bị chết máy đã được hút xăng và đốt thử nhưng xăng không cháy”- kỹ sư Cứ phân tích.
Còn Luật sư Huỳnh Minh Vũ - Trưởng Văn phòng luật sư Huỳnh Minh Vũ cho biết, nếu Petrolimex nhận trách nhiệm và bồi thường thì sự việc sẽ rất đơn giản. Nhưng đó là với những trường hợp mua số lượng nhiều, có hóa đơn chứng từ. Còn với trường hợp đi xe máy, đổ xăng không có hóa đơn thì việc bồi thường rất khó khăn. Theo luật sư Vũ, trong trường hợp này, người tiêu dùng cần chứng minh đã mua xăng ở đâu, vào thời điểm nào. Sau đó, cần yêu cầu một đơn vị có chức năng thực hiện việc giám định chất lượng xăng tại cây xăng đã đổ và chất lượng xăng trong xe đã mua trước đó.