Xắn tay tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bức tranh kinh tế quý I/2023 cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) đang gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), một trong những “điểm nghẽn” lớn nhất đang cản đà phát triển của DN là vướng mắc về pháp lý.
Hoạt động kinh doanh của các DN ngành xây dựng đang rất khó khăn, mà một trong những nguyên nhân chính là vướng mắc về pháp lý. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Hoạt động kinh doanh của các DN ngành xây dựng đang rất khó khăn, mà một trong những nguyên nhân chính là vướng mắc về pháp lý. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Doanh thu nhà thầu xây dựng giảm mạnh

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, hoạt động kinh doanh của các DN ngành xây dựng đang rất khó khăn, mà một trong những nguyên nhân chính là vướng mắc về pháp lý. Cụ thể là có sự chồng chéo, không rõ ràng trong các quy định pháp luật dẫn đến các cơ quan thực thi hiểu theo nhiều nghĩa, vận dụng theo nhiều cách; tình trạng một số cơ quan ở địa phương không dám làm khiến nhiều dự án đầu tư “ách tắc”.

Ông Hiệp cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ của VACC, hết quý I/2023, doanh thu của các nhà thầu xây dựng chưa được 10% so với kế hoạch năm trong khi thường kỳ là 18 - 20%. Chủ tịch VACC cho rằng, nếu những vướng mắc pháp lý không sớm được tháo gỡ, nhiều DN xây dựng có nguy cơ bị xóa sổ.

Theo ông Hiệp, do khó khăn nên xuất hiện tình trạng nợ đọng xây dựng kéo dài đang tác động bất lợi đối với các nhà thầu xây dựng Việt Nam. Ngoài ra, một số chủ đầu tư bất động sản không có tiền để trả cho nhà thầu xây dựng nên đề nghị trả bằng sản phẩm bất động sản, trong khi những dự án lại chưa đủ pháp lý. Vấn đề là, nếu nhà thầu không nhận thì có thể mất cơ hội được thanh toán, nhưng nếu nhận thì họ không biết làm gì với những sản phẩm này. Trong khi đó, việc này khó có thể xử lý bằng trọng tài hay cơ quan tòa án. “Thực tế này đang khiến các DN xây dựng điêu đứng”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Tại cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) diễn ra mới đây, ông Lê Anh Văn, Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, nhiều dự án đầu tư của các DN thuộc Hiệp hội đang “bế tắc” do vướng mắc về pháp lý cũng như quan điểm giải quyết, nhà đầu tư bị tồn đọng vốn. Một số đại diện đến từ các Hiệp hội DN công nghiệp hỗ trợ; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam… cũng cho biết gặp vướng mắc về vấn đề này.

Đề xuất cơ chế bảo lãnh thanh toán cho nhà thầu

Để hỗ trợ DN trụ lại với thương trường, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, điều quan trọng nhất là cần nhanh chóng gỡ “nút thắt” pháp lý, giảm sự chồng chéo trong quy định pháp luật; đồng thời có tác động đến các cơ quan hành pháp ở các địa phương để họ có trách nhiệm hơn trong việc xử lý thủ tục. Về vấn đề thanh toán cho các nhà thầu xây dựng, đại diện VACC bày tỏ: “Điều mong muốn lớn nhất của DN là có được cơ chế pháp lý bảo lãnh thanh toán cho nhà thầu xây dựng”.

Ông Hiệp cho biết, VACC kiến nghị cấp có thẩm quyền có cơ chế bảo lãnh thanh toán cho nhà thầu xây dựng khoản 30% cuối cùng của dự án, bởi phần thanh toán này thường bị tắc. Nếu trước mắt chưa có cơ chế bảo lãnh thanh toán 30% này thì trước khi đưa công trình vào sử dụng, chủ đầu tư cần có xác nhận bảo đảm trách nhiệm thanh toán với nhà thầu.

Hỗ trợ các DN có dự án đầu tư ách tắc, ông Lê Anh Văn đề xuất, địa phương cần lập ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo giải quyết vướng mắc pháp lý. Đồng quan điểm, một số hiệp hội DN cũng mong mỏi các bộ, ngành chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN.

Lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của DN nêu trên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, các vướng mắc được DN được phản ánh liên quan đến nhiều bộ, ngành. Với tinh thần đồng hành cùng DN, thời gian qua cũng như sắp tới, Bộ KH&ĐT tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc cho DN, hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra.

Bộ trưởng đề nghị các hiệp hội DN tiếp tục rà soát các vướng mắc pháp lý, gửi Bộ KH&ĐT tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của DN cũng như các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế đất nước.

Về phương án, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến việc phân cấp trong tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho DN. Tinh thần chung là các bộ, ngành phải hướng dẫn, giải thích rõ ràng cho DN, nếu quy định pháp luật chưa có điều khoản chuyển tiếp thì phải quy định. Vướng ở thông tư thì bộ chuyên ngành phải chủ động sửa đổi. Vướng ở luật, nghị định thì kiến nghị Chính phủ sửa...

Chuyên đề