Nhiều ý kiến tại Hội thảo về dự án Luật PPP đề nghị phân định rạch ròi đâu là công, đâu là tư trong dự án PPP, vì tương ứng với đó sẽ kéo theo các cơ chế quản lý, giám sát khác nhau. Ảnh: Cao Dung |
Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, pháp luật hiện hành có quy định về đầu tư công, đầu tư của tư nhân, nhưng chưa có luật riêng quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Ngoài ra, thực tế triển khai BOT, BT thời gian qua cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải được khắc phục tại Luật PPP để thu hút vốn tư nhân đầu tư vào kết cấu hạ tầng hiệu quả hơn. Ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng Luật về PPP để thể chế hóa định hướng, chỉ đạo về phát triển kết cấu hạ tầng quốc gia, huy động nguồn lực tư nhân qua PPP…
Các ý kiến tại Hội thảo đều thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật, đồng thời cho rằng việc xây dựng Luật cần bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo và Luật PPP cần được ưu tiên áp dụng. Dự Luật PPP cần tránh rơi vào tình trạng luật khung, luật ống, nên quy định càng cụ thể càng tốt, bớt các điều khoản giao Chính phủ hướng dẫn, bởi vì nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến tính minh bạch của luật và nhiều trường hợp vướng mắc lại ở cấp nghị định, thông tư.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị phân định rạch ròi đâu là công, đâu là tư trong dự án PPP, vì tương ứng với đó sẽ kéo theo các cơ chế quản lý, giám sát khác nhau. Vấn đề quy mô tối thiểu, lĩnh vực đầu tư, bảo lãnh chính phủ, cơ chế quản lý vốn nhà nước… cũng nhận được nhiều ý kiến thảo luận. Đa số ý kiến cho rằng cần có cơ chế để hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro hợp lý thì mới thu hút được nhà đầu tư.
Lãnh đạo Ủy ban Kinh tế cho biết Dự thảo Luật sẽ tiếp tục được hoàn thiện, tinh thần là làm sao khai thác được mặt mạnh của đầu tư tư, xác định rõ Nhà nước cần gì khi đầu tư theo PPP để có quy định, hành xử phù hợp.