WHO cảnh báo: Người đã tiêm đủ vaccine Covid vẫn cần đeo khẩu trang và giữ khoảng cách

0:00 / 0:00
0:00
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 24/11 kêu gọi công chúng tiếp tục thực hiện các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19, bao gồm đeo mặt nạ và giữ khoảng cách, cho dù đã tiêm đủ vaccine hay chưa...
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: Reuters.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: Reuters.

Khuyến cáo này được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng vọt ở châu Âu ngay trước kỳ nghỉ lễ.

Một số quốc gia và cộng đồng đã chủ quan khi cho rằng đại dịch đã kết thúc và việc tiêm vaccine có thể bảo vệ hoàn toàn khỏi nguy cơ mắc Covid – Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus của WHO phát biểu trong một cuộc họp báo ở Geneva, Thuỵ Sỹ.

“HÃY CẨN TRỌNG DÙ ĐÃ TIÊM VACCINE”

Ông Tedros nhấn mạnh rằng vaccine Covid giúp “cứu sống sinh mạng” và giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong, nhưng người tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm và phát tán virus khi mức độ tiếp xúc xã hội quay trở lại như trước đại dịch.

“Ngay cả khi bạn đã tiêm vaccine, hãy tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh nhiễm bệnh cho chính mình và lây bệnh cho người khác, những người có thể chết vì Covid”, ông Tedros nói. “Điều đó có nghĩa là hãy đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, tránh các đám đông, và hãy gặp gỡ nhau ở bên ngoài nếu có thể, hoặc ở một nơi trong nhà thoáng khí”.

Ông Tedros gọi châu Âu là “tâm của đại dịch toàn cầu” ở thời điểm hiện tại, với “sức ép lớn” đè nặng lên hệ thống y tế và nhân lực chống dịch. Trong tuần kết thúc vào ngày 21/11, châu Âu chiếm 67% tổng số ca nhiễm mới Covid trên toàn cầu, với hơn 2,4 triệu ca được ghi nhận ở khu vực này, tăng 11% so với tuần trước đó – theo số liệu mới nhất từ WHO.

Văn phòng WHO phụ trách châu Âu và Trung Á hôm 23/11 nói rằng khu vực này đã có hơn 1,5 triệu ca tử vong do Covid kể từ đầu đại dịch và có thể có thêm 700.000 người nữa chết vì Sars-CoV2 trong thời gian từ nay đến hết tháng 3/2022. WHO cũng dự báo bộ phận hồi sức tích cực (ICU) tại các bệnh viện ở 49 trong tổng số 53 quốc gia trong khu vực sẽ đương đầu với áp lực lớn hoặc rất lớn trong vòng 4 tháng tới.

Giám đốc Chương trình Khẩn cấp y tế của WHO, tiến sỹ Mike Ryan, cho rằng việc các chính phủ rút lại các biện pháp y tế công cộng là nguyên nhân dẫn tới đợt bùng dịch này ở châu Âu.

“Ở châu Âu, ngay cả khi số ca nhiễm mới đang tăng rất, rất mạnh, và ngay ở cả những nước đang đương đầu áp lực rất lớn đối với hệ thống y tế, chúng tôi vẫn đang thấy mức độ tiếp xúc xã hội, tụ tập và nhiều thứ khác tương tự như trước đại dịch”, ông Ryan nhận định. “Và sự thật là virus sẽ tiếp tục lân lan nhanh chóng trong một môi trường như vậy”.

Dù số ca nhiễm mới của thế giới đang tập trung ở châu Âu, ông Tedros nói thêm rằng “chưa một quốc gia hay khu vực nào thoát khỏi Covid”. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh tiêm chủng, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, và cải thiện sự thông khí trong các không gian trong nhà có thể giúp giảm sự lây truyền của virus mà không phải áp dụng các biện pháp như phong toả trong mùa nghỉ lễ này – Giám đốc kỹ thuật của WHO về Covid, bà Maria Van Kerkove, nhấn mạnh.

Số ca nhiễm mới Covid cũng đang gia tăng ở Mỹ, với hơn 95.000 ca nhiễm mới và hơn 1.100 ca tử vong bình quân mỗi ngày, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins. Dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy nước này đang có hơn 51.000 người phải nằm viện điều trị Covid, tăng 7% so với cách đây 1 tuần.

LÂY NHIỄM ĐỘT PHÁ, LÝ DO ĐỂ TIÊM NHẮC LẠI

Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ nói rằng người chưa tiêm vaccine từ 2 tuổi trở lên nên đeo khẩu trang trong các cuộc tụ tập trong nhà và ngoài trời. Người đã tiêm đủ vaccine nên đeo khẩu trang khi tụ tập trong nhà, hoặc ở những đám đông ngoài trời tại những nơi có mức độ lây nhiễm cao. CDC cũng quy định đeo khẩu trang trên máy bay, tàu điện và xe bus, cũng như tại tất cả các nhà ga công cộng.

Hướng dẫn của CDC Mỹ còn bao gồm giữ khoảng cách 2 mét với người không sống cùng nhà, đặc biệt là những người có nguy cơ cao mắc Covid thể nặng.

Tiến sỹ Scott Gottlieb, cựu Giám đốc Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và là một thành viên Hội đồng Quản trị hãng dược Pfizer, nói với hãng tin CNBC rằng số người mắc Covid dù đã tiêm đủ vaccine (lây nhiễm đột phá) là lớn hơn những gì được ghi nhận, do việc theo dõi các ca nhiễm đột phá ở Mỹ còn yếu.

“Ở thời điểm này, tôi nghĩ chúng ta cần chấp nhận sự thật rằng nhiều ca nhiễm đột phá đang xảy ra, nhất là ở những người tiêm vaccine đã lâu… Đây là lý do cho việc phải tiêm nhắc lại”, ông Gottlieb nói.

Hôm thứ Sáu tuần trước, nhà chức trách Mỹ phê duyệt tiêm nhắc lại vaccine Pfizer và Moderna cho tất cả người trưởng thành ở nước này, bất chấp sự chỉ trích của WHO về việc các nước giàu tích trữ vaccine để tiêm mũi thứ ba trong khi người dân tại nhiều nước nghèo được tiếp cận rất hạn chế với vaccine Covid.

Hà Lan đã phong toả một phần từ hôm thứ Bảy tuần trước, trong khi Áo bước vào đợt phong toả toàn quốc lần thứ tư vào ngày thứ Hai vừa rồi. Đức cũng đang tính khả năng phong toả toàn quốc sau khi ghi nhậ kỷ lục hơn 53.100 ca nhiễm mới vào hôm thứ Ba, tăng 29% so với một tuần trước đó.

Nhà Trắng hôm thứ Hai tuyên bố chính quyền Tổng thống Joe Biden không có kế hoạch phong toả, nhấn mạnh rằng tỷ lệ tiêm chúng tăng lên và các loại thuốc đặc trị Covid sắp được đưa vào sử dụng. Chính phủ Mỹ đã mua 10 triệu liệu trình thuốc đặc trị Covid của hãng Pfizer, loại thuốc có tên Paxlovid và cho kết quả khả quan trong thử nghiệm lâm sàng về ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng và tử vong.

“Chúng ta có thể kiềm chế làn sóng dịch bệnh này mà không phải đóng cửa nền kinh tế”, điều phối viên về chống Covid của Nhà Trắng, ông Jeff Zients nói trong một cuộc họp báo. “Tỷ lệ dân số Mỹ tiêm ít nhất 1 mũi vaccine đã đạt 82%, và mỗi tuần đều có thêm người đi tiêm”.

Chuyên đề