Vượt bão bằng sự nỗ lực và vững tin

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nối tiếp 2 năm dịch bệnh Covid-19 là giai đoạn kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước đầy biến động. Giữa bối cảnh khó khăn “chưa từng có”, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm giải pháp ứng phó để vượt qua những thách thức của môi trường kinh doanh, viết tiếp khát vọng phát triển.
Công ty CP Dược Hậu Giang là một trong số ít doanh nghiệp dược phẩm duy trì được tăng trưởng lợi nhuận đều đặn. Ảnh: Dược HG
Công ty CP Dược Hậu Giang là một trong số ít doanh nghiệp dược phẩm duy trì được tăng trưởng lợi nhuận đều đặn. Ảnh: Dược HG

Dược Hậu Giang nâng chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiềm năng

Sau 2 năm khó khăn của doanh nghiệp dược phẩm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân e ngại đến bệnh viện, thì năm 2023, khó khăn lại tiếp diễn từ những vướng mắc trong công tác đấu thầu thuốc của ngành y tế và những biến động bất thường của giá nguyên vật liệu, chi phí sản xuất… Giữa bối cảnh đó, Công ty CP Dược Hậu Giang là một trong số ít doanh nghiệp dược phẩm duy trì được tăng trưởng lợi nhuận đều đặn. Năm 2022, Công ty ghi nhận doanh thu thuần 4.676 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 988 tỷ đồng, tăng 27% và cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động.

Bên cạnh việc chủ động dự trữ nguyên liệu, ổn định chuỗi cung ứng, vận chuyển và hoạt động sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường hồi phục sau dịch bệnh, kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty còn có sự đóng góp đáng kể của nỗ lực kiểm soát chi phí, phát triển thị trường tiềm năng như kênh bệnh viện và xuất khẩu.

Bà Đặng Thị Thu Hà Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược Hậu Giang

Bà Đặng Thị Thu Hà

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược Hậu Giang

Tăng trưởng tốc độ cao nhưng luôn đảm bảo tính ổn định và phát triển bền vững là tiêu chí xuyên suốt trên hành trình phát triển của DHG Pharma.

Báo cáo của Hội đồng quản trị Dược Hậu Giang tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 cho biết, doanh thu xuất khẩu của Công ty trong năm 2022 đạt 117 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2021. Sản phẩm của Công ty được xuất khẩu sang 20 nước trên thế giới, trong đó có châu Âu, châu Mỹ.

Để vượt qua các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường và xây dựng kênh phân phối hiệu quả, công tác đầu tư đạt các tiêu chuẩn quốc tế đã được chú trọng trong những năm gần đây, khởi đầu từ dây chuyền viên nén đạt chứng nhận Japan-GMP (tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc của Nhật Bản) năm 2019. Tháng 10/2020, Dược Hậu Giang tiếp tục đạt chứng nhận Japan-GMP cho dây chuyền viên nén bao phim. Đến nay, ước tính hơn 30% sản phẩm của Công ty đã được sản xuất theo tiêu chuẩn Japan-GMP và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngày 9/7/2022, Dược Hậu Giang đã khởi công xây dựng Nhà máy Betalactam đạt tiêu chuẩn JAPAN/EU-GMP tại Hậu Giang. Dự án dự kiến đi vào hoạt động năm 2024, giúp tăng số lượng sản phẩm trong danh mục đạt chuẩn chất lượng cao của Công ty.

Không chỉ phục vụ thị trường xuất khẩu, việc nâng cấp tiêu chuẩn của nhà máy cũng giúp sản phẩm của Dược Hậu Giang tăng lợi thế cạnh tranh khi tham gia đấu thầu vào kênh bệnh viện nhằm tận dụng chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước có đủ khả năng tham gia đấu thầu sản phẩm tại các phân khúc thuốc nhóm đầu đang chủ yếu phụ thuộc nguồn cung từ các hãng dược phẩm nước ngoài. Thực tế, tỷ trọng đóng góp của doanh thu từ kênh bệnh viện trong kết quả kinh doanh của Công ty ngày càng tăng trong những năm gần đây, năm 2022 chiếm 15% tổng doanh thu của Công ty, nếu bao gồm các nhà thuốc, tỷ trọng đóng góp lên đến 55%.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, Ban lãnh đạo Công ty đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu thuần 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 1.130 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 3% so với kết quả năm 2022.

Kết thúc quý I/2023, doanh thu thuần của Công ty đạt 1.229 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 391 tỷ đồng, tăng 37%, hoàn thành 25% kế hoạch doanh thu và 35% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

PAN Group phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thực phẩm với các sản phẩm đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc xuất xứ, mở rộng thị trường xuất khẩu

PAN Group phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thực phẩm với các sản phẩm đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc xuất xứ, mở rộng thị trường xuất khẩu

PAN Group hoàn thiện chuỗi giá trị, chủ động chuyển dịch cơ cấu thị trường

Việc đẩy mạnh hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập) các công ty hàng đầu trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp như Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (năm 2013), Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (năm 2014), Công ty CP Bibica (năm 2015), Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (năm 2017) và Công ty CP Khử trùng Việt Nam (năm 2021) đã giúp Công ty CP Tập đoàn PAN (PAN Group) hình thành hệ sinh thái các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thực phẩm. Đây là cơ sở để sản xuất các sản phẩm chất lượng, giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc xuất xứ và nhận diện thương hiệu khi xuất khẩu vào các thị trường lớn.

Bà Nguyễn Thị Trà My Tổng giám đốc PAN Group

Bà Nguyễn Thị Trà My

Tổng giám đốc PAN Group

Những doanh nghiệp nào mạnh mẽ, giàu nội lực, có sẵn các chính sách phát triển bền vững chắc chắn sẽ tồn tại và chuyển mình biến “nguy” thành “cơ”.

Nền tảng chuỗi giá trị hoàn thiện đã giúp kết quả kinh doanh của PAN Group bứt phá trong năm 2022 với mức tăng trưởng 47,6% về doanh thu, đạt 13.655 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 794 tỷ đồng, tăng 55,1%. Nhóm sản phẩm nông nghiệp đóng góp đáng kể vào kết quả tăng trưởng của Công ty với 4.900 tỷ đồng doanh thu, gấp 2,37 lần năm 2021. Lợi nhuận thuần sau thuế đạt 425,6 tỷ đồng, tăng 64%. Đối với nhóm hàng thực phẩm, dù nhiều mặt hàng xuất khẩu như tôm, cá tra chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi sức cầu tại nhiều thị trường suy yếu, nhưng doanh thu toàn nhóm trong năm 2022 vẫn tăng 21,8% và lợi nhuận thuần sau thuế tăng 88,7%.

Một điểm đáng chú ý với mảng tôm của PAN Group trong năm 2022 là sự thay đổi về cơ cấu thị trường với tỷ trọng của thị trường Nhật Bản tăng mạnh, giúp giảm ảnh hưởng khi nhu cầu thị trường Mỹ và EU sụt giảm.

Năm 2023, PAN Group đặt kế hoạch doanh thu 15.156 tỷ đồng, tăng 11% so với kết quả năm 2022 và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 840 tỷ đồng, tăng 5,8%. Mảng giống cây trồng, lương thực và thuốc bảo vệ thực vật, khử trùng dự kiến tiếp tục có tốc độ tăng trưởng tốt do nhu cầu và giá các mặt hàng lương thực duy trì xu hướng tăng. Mảng tôm dù được dự báo khó khăn về tăng trưởng doanh thu nhưng kỳ vọng cải thiện biên lợi nhuận nhờ sự tự chủ nguồn nguyên liệu qua diện tích ao tự nuôi.

Vinamilk tìm kiếm động lực tăng trưởng mới

Thị trường sữa trong nước có dấu hiệu bão hòa, dư địa tăng trưởng không nhiều trong khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt, giá nguyên liệu đầu vào như đường, bột sữa… tăng cao là những khó khăn khiến Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) sụt giảm lợi nhuận 2 năm liên tiếp (2021 - 2022). Đây cũng là chuỗi sụt giảm lợi nhuận lần đầu tiên của Vinamilk trong hơn chục năm qua. Trước tình hình đó, Vinamilk một mặt ứng phó với khó khăn, bảo vệ thị phần, mặt khác tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới.

Đối với mảng sữa, sau khi hoàn tất thương vụ M&A Công ty CP GTNFoods vào năm 2019, qua đó sở hữu Mộc Châu Milk, sự tham gia của Vinamilk đã giúp Mộc Châu Milk phát triển tốt hơn, doanh thu kênh xuất khẩu luôn có mức tăng trưởng vượt trội so với kênh nội địa những năm gần đây.

Vinamilk cũng tiếp tục đầu tư thêm các dự án trang trại bò sữa như Dự án Tổ hợp các trang trại bò sữa công nghệ cao tại Cần Thơ, Dự án Trang trại sinh thái bò sữa công nghệ cao tại Mộc Châu, Sơn La, Tổ hợp bò sữa Lao-jagro tại Lào… Việc đẩy mạnh đầu tư được kỳ vọng giúp Công ty giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu sữa nhập khẩu, tăng năng lực cạnh tranh và cải thiện biên lợi nhuận.

Bà Mai Kiều Liên Tổng giám đốc Vinamilk

Bà Mai Kiều Liên

Tổng giám đốc Vinamilk

Bên cạnh ngành kinh doanh sữa chủ đạo, Vinamilk khai thác cơ hội kinh doanh tại các thị trường mới thông qua các hoạt động mua bán và sáp nhập, liên doanh hoặc đầu tư mạo hiểm.

Chuỗi cửa hàng bán lẻ sản phẩm “Giấc mơ sữa Việt” đang được mở rộng với gần 650 cửa hàng đến cuối năm 2022. Ban lãnh đạo Vinamilk dự kiến trong thời gian tới, các cửa hàng này không chỉ bán sữa mà còn bán các sản phẩm khác của Công ty, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

Song song với nỗ lực phát triển mảng kinh doanh truyền thống, tháng 11/2021, Vinamilk và Vilico (Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam, Vinamilk sở hữu 68% vốn) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) và UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc đầu tư, phát triển dự án bò thịt tại Việt Nam với quy mô hợp tác dự kiến 500 triệu USD.

Tháng 3/2023, Dự án Tổ hợp Vinabeef với diện tích 75,6 ha tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc đã được khởi công. Tổ hợp gồm 2 phân khu chính: trang trại chăn nuôi bò thịt có sức chứa 10.000 con và nhà máy chế biến thịt bò mát với công suất 30.000 con/năm (10.000 tấn sản phẩm/năm). Quy mô hợp tác về vốn đầu tư giữa Vinamilk - thông qua Vilico với Tập đoàn Sojitz xấp xỉ 3.000 tỷ đồng trong giai đoạn 1, trong đó tổng mức đầu tư xây dựng cụm trang trại, nhà máy tại Tam Đảo là 1.670 tỷ đồng. Dự án dự kiến đi vào hoạt động năm 2024 với sản phẩm thịt bò mát được chế biến theo công nghệ Nhật Bản mang thương hiệu Vinabeef.

Việc đầu tư bài bản với quy mô lớn, chuỗi giá trị khép kín cùng lợi thế sẵn có về kinh nghiệm chăn nuôi được kỳ vọng góp phần giảm phụ thuộc vào nguồn thịt bò nhập khẩu, mang lại lợi thế cạnh tranh cho Vinamilk và tạo thêm động lực tăng trưởng trong thời gian tới.

Chuyên đề