Thành tựu nổi bật nhất của ngành y tế trong năm 2022, theo Thủ tướng, đó là đạt và vượt 3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng được Quốc hội giao (số bác sĩ/vạn dân, số giường bệnh/vạn dân, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế) và 13/16 chỉ tiêu cụ thể về y tế.
"Với đội ngũ y bác sĩ "sâu y lý, giàu y đức, giỏi y thuật" và những kết quả đã đạt được trong năm 2022, ngành y tế ngày càng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Ngành", Thủ tướng ghi nhận và biểu dương.
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, cho đến nay, dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác được kiểm soát tốt, tập trung cùng với chính quyền địa phương nâng cao tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, không để xảy ra dịch chồng dịch; tập trung phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm (sốt xuất huyết, Adenovirus, tay chân miệng…).
Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường đang dần phục hồi so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Khám, chữa bệnh từ xa, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ngày càng được đẩy mạnh ở các tuyến, cơ sở y tế.
Bộ Y tế đang hoàn thiện dần cơ cấu tổ chức bộ máy; tiếp tục phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực y tế, xây dựng các chuẩn năng lực nghề nghiệp, chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực sức khỏe như: trình Chính phủ phê duyệt Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày 15/11/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế; nghiên cứu đề xuất các chế độ, chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế, trong đó xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2023/NĐ-CP ngày 15/2/2023 sửa đổi Nghị định số 56/2011/NĐ-CP về hỗ trợ phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng, trong đó đề xuất nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề từ mức 40 - 70% lên 100%.
Đồng thời, ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17/2/2023 hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
Liên quan đến công tác xây dựng thể chế, trong năm 2022, Bộ Y tế tiếp tục chú trọng và từng bước hoàn thiện. Tính đến nay, Bộ Y tế đã xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15; Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW; Chính phủ ban hành 5 nghị quyết, 2 nghị định; Thủ tướng ban hành 1 chỉ thị, 6 quyết định; Bộ Y tế ban hành 20 thông tư.
Đồng thời, Bộ Y tế đã và đang tập trung xây dựng để trình Chính phủ, trình Quốc hội nhiều văn bản quy phạm pháp luật tháo gỡ những vướng mắc, bất cập mang tính bản lề trong hoạt động của Ngành như: Luật Dược sửa đổi, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật Dân số, Luật Trang thiết bị y tế, Luật Phòng bệnh…
Đặc biệt, trong năm 2022, Bộ Y tế đã tập trung giải quyết các khó khăn, tồn tại của Ngành thông qua việc xây dựng và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tháo gỡ khó khăn về thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, về bảo hiểm y tế, về chế độ phụ cấp đối với cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng… và xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của Ngành.
Cụ thể, Bộ Y tế đã chỉ đạo tập trung đẩy nhanh việc cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, trang thiết bị y tế. Đồng thời, xây dựng dự thảo sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như: Nghị định số 98/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế; Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Nghị định số 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược; Nghị định số 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế…
Một nhiệm vụ quan trọng nữa cũng được Bộ Y tế thực hiện trong năm qua là tập trung giải quyết các vướng mắc, triển khai các dự án xây dựng các cơ sở y tế để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ Nhân dân, góp phần giảm tải bệnh viện; cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong lĩnh vực y tế.
Mục tiêu được Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đặt ra trong năm 2023 là phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, tập trung kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh; tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao năng lực điều trị ở tất cả các tuyến. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, sinh phẩm y tế.
Cụ thể, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2%; 12 bác sĩ/vạn dân; 3,06 dược sĩ đại học/vạn dân; 13 điều dưỡng/vạn dân; 32 giường bệnh/vạn dân. Tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%. Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh đạt 73,8 tuổi. Tỷ số giới tính khi sinh đạt 111,2 bé trai/100 bé gái. Tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi đạt dưới 13,1 ca/1.000 trẻ sinh sống; dưới 5 tuổi đạt 19,5 ca/1.000 trẻ sinh sống. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) đạt dưới 18/6%. Tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe đạt trên 80%.