Vướng mặt bằng, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có trễ hẹn?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Do gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguồn vật liệu xây dựng, hàng loạt gói thầu xây lắp lớn của Dự án Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đã thi công xuyên Tết 2022 để bù tiến độ. Nay nỗi lo lớn nhất lại dồn vào Gói thầu 4-XL đoạn qua tỉnh Đồng Nai do vướng mặt bằng nghiêm trọng, nhà thầu chưa thể thi công đồng bộ.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Dự án Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có tổng chiều dài 99 km đi qua địa bàn 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, trong đó đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai có chiều dài hơn 51 km. Đây là công trình xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu đất đắp, nhà thầu phải xoay xở để chủ động thi công. Đồng thời, 2 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai đã đưa ra nhiều phương án để hỗ trợ nhà thầu tìm kiếm vật liệu, bảo đảm tiến độ.

Do đó, đến nay, tiến độ chung của các gói thầu gồm 1-XL, 2-XL, 3-XL bảo đảm yêu cầu mà Bộ Giao thông vận tải đề ra. Tuy nhiên, Gói thầu 4-XL Thi công xây dựng đoạn Km83+000 - Km99+000 (bao gồm khảo sát thiết kế bản vẽ thi công) lại đang gặp khó. Liên danh Tổng công ty Thăng Long - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 đã trúng Gói thầu 4-XL với giá 1.022.537.796.499 đồng, thời gian thi công trong 24 tháng kể từ tháng 10/2020. Để bảo đảm tiến độ, Nhà thầu đã huy động tối đa phương tiện, nhân lực, thi công xuyên Tết, tăng cường ca kíp với phương châm mặt bằng đến đâu thi công đến đó.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, để phục vụ xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, địa phương phải thực hiện thu hồi diện tích đất hơn 431 ha của hơn 1,2 ngàn hộ dân và 8 tổ chức thuộc địa bàn 4 huyện gồm: Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và Long Khánh.

Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, nhiều vị trí thuộc phạm vi thi công của Gói thầu 4-XL bị vướng mặt bằng hơn 1 năm chưa thể bàn giao. Đó là 7 hộ thuộc huyện Cẩm Mỹ, 4 hộ thuộc huyện Thống Nhất với tổng diện tích hơn 4 ha chưa đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng. Do đó, địa phương mới bàn giao được 99,8% diện tích cho toàn bộ Dự án.

Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết, các hộ dân không đồng ý với chi phí bồi thường dẫn tới khó khăn cho địa phương khi tiến hành thủ tục đền bù.

Ông Vũ Ngọc Dương, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư dự án) cho biết, 1,3 ha đất tại huyện Thống Nhất thuộc vị trí thi công của Gói thầu 4-XL theo thiết kế sẽ xây dựng nút giao nối cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Đây là gói thầu có vai trò đặc biệt quan trọng đối với tổng thể Dự án. Do đó, cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu thi công đều mang nặng áp lực và trông chờ hoàn toàn vào nỗ lực của địa phương để có mặt bằng lúc nào là triển khai thi công ngay.

Thực tế, Dự án Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rút ngắn thời gian hoàn thành trước 3 tháng. Như vậy, thay vì tháng 12/2022, công trình này phải hoàn tất vào tháng 9/2022.

Để bảo đảm tiến độ, Bộ Giao thông vận tải cho biết cần nhanh chóng hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là vị trí thi công hạng mục nút giao thuộc Gói thầu 4-XL trên địa bàn huyện Thống Nhất.

Từ phía UBND tỉnh Đồng Nai, địa phương cho biết đã yêu cầu cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan hỗ trợ huyện Thống Nhất đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp huyện Thống Nhất trình phương án xử lý kiến nghị của các hộ dân lên UBND tỉnh trong tháng 2/2022. Các đơn vị có liên quan xem xét báo cáo chính thức bằng văn bản gửi UBND Tỉnh xử lý kiến nghị của các hộ dân theo đúng quy định trong tháng 2. Các nội dung khiếu nại vượt thẩm quyền xử lý của địa phương, Đồng Nai sẽ tổng hợp để gửi Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư 12.577 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 7.200 tỷ đồng. Khi hoàn thành, đường cao tốc sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM, Đồng Nai đến các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, giảm tải cho Quốc lộ 1 hiện hữu.

Chuyên đề