Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2018 của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ ngang mức bình quân cả nước. Ảnh: Song Lê |
Tăng trưởng cao nhưng có dấu hiệu chậm lại
Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của Vùng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng KTTĐ - cho biết, Vùng KTTĐ phía Nam tiếp tục có mức tăng trưởng khá, quy mô kinh tế Vùng tiếp tục giữ tỷ trọng cao trong 4 vùng KTTĐ của cả nước.
Năm 2018, tổng GRDP của Vùng KTTĐ phía Nam (gồm 8 tỉnh, thành: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang) đạt 2.517 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 45% GDP cả nước.
Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Vùng vẫn chưa đạt được mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 252/QĐ-TTg, bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng chậm dần. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2018 chỉ ngang mức bình quân cả nước (giai đoạn 2011 - 2015 tăng trưởng bình quân gấp khoảng 1,5 lần tăng trưởng chung cả nước), chưa đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 8,5 - 9%/năm.
Lĩnh vực công nghiệp chưa có thêm các sản phẩm mới có hàm lượng chất xám, kỹ thuật cao, hàm lượng giá trị gia tăng cao, chiếm tỷ trọng lớn, tạo động lực cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Vùng. Trong số 35 sản phẩm chủ yếu của Vùng, có tới 28 sản phẩm truyền thống, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ gia công còn cao...
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Vùng năm 2018 đạt 199,4 tỷ USD, nhưng Vùng không đóng góp trong thặng dư thương mại chung (cả nước xuất siêu 6,8 tỷ USD), mà ngược lại nhập siêu 0,2 tỷ USD.
Số doanh nghiệp (DN) đăng ký mới đứng đầu cả nước, nhưng xét về quy mô vốn đăng ký bình quân còn thấp (11,2 tỷ đồng/DN), đứng sau Vùng KTTĐ Đồng bằng sông Hồng và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Về tốc độ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và quy mô vốn các dự án FDI, mặc dù vẫn có sự tăng trưởng nhưng có xu hướng tăng chậm lại. Năm 2017, quy mô vốn các dự án tăng 21% so với năm 2016, nhưng năm 2018 chỉ tăng 2% so với năm 2017 và lũy kế đến ngày 8/4/2019, quy mô vốn bình quân chỉ đạt 10,02 triệu USD/dự án, thấp hơn quy mô vốn bình quân chung của cả nước (12,3 triệu USD/dự án).
Từng địa phương cố gắng là không đủ
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng khẳng định, Vùng KTTĐ phía Nam có vị trí đặc biệt quan trọng về KTXH, trước hết là về GDP. Tuy nhiên, Vùng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, cần sớm có các giải pháp về cơ chế, thể chế để nâng cao hiệu quả hoạt động điều phối và liên kết vùng, tạo điều kiện bứt phá, hoàn thành toàn diện nhiệm vụ kế hoạch năm 2019 và làm tiền đề hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 mà Trung ương đã đề ra.
Đề xuất nhóm giải pháp cơ chế, chính sách cho Vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng. Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách về đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ các dự án trọng điểm và thúc đẩy liên kết vùng (theo hình thức đầu tư công và đối tác công - tư). Tiếp tục kiện toàn bộ máy Vùng, trao đủ thực quyền ra quyết định cho Hội đồng Vùng.
Đối với nhóm giải pháp về liên kết các ngành, lĩnh vực, trước tiên cần tập trung nguồn lực để đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông trọng điểm liên vùng, giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn tại TP.HCM...
Về phía các địa phương, có nhiều kiến nghị liên quan đến hạ tầng giao thông, chính sách để kết nối Vùng như: đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm (Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành); phê duyệt quy chế phối hợp điều hành các vùng, liên vùng để hợp tác phát triển kinh tế; ưu tiên nguồn lực để phát triển logistics, xây dựng quy hoạch sử dụng đất toàn Vùng...
Để thúc đẩy tăng trưởng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các địa phương sớm lập danh mục đầu tư công, danh mục các dự án công - tư, danh mục dự án đầu tư của tư nhân trong tổng thể mối liên kết vùng và các địa phương lân cận, đồng thời gắn trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo địa phương trong việc đôn đốc thực hiện.
Đặc biệt, Hội đồng Vùng phải “ngồi lại với nhau” sắp xếp thành danh mục các dự án ưu tiên, mang tính liên kết vùng. Trên cơ sở danh mục này, Chính phủ và các cơ quan liên quan sẽ bố trí vốn dự phòng đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và bổ sung nguồn trong giai đoạn tới. Chính phủ sẽ tập trung quy hoạch chi tiết liên kết về giao thông vận tải, không dựa trên lợi thế của từng địa phương mà dựa trên lợi thế so sánh của Vùng.
“Khu vực này phải đi đầu cả nước trong phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, với nhiều loại hình dịch vụ mới”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ hướng đi cho các tỉnh, thành trong Vùng.