Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: “Căng mình” chuẩn bị cát xây cao tốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong 3 năm tới, tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hàng loạt dự án đường bộ cao tốc sẽ được triển khai xây dựng, theo đó nhu cầu cát san lấp rất lớn. Ngay từ bây giờ, các tỉnh ĐBSCL đang “căng mình” giải bài toán thiếu hụt nguồn cát san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm kết nối Vùng.
Năm 2022, khả năng cung ứng cát của tỉnh Đồng Tháp đạt khoảng 44,75% so với nhu cầu
Năm 2022, khả năng cung ứng cát của tỉnh Đồng Tháp đạt khoảng 44,75% so với nhu cầu

Khan hiếm nguồn cát san lấp

Ước tính, nhu cầu cát đắp nền đường cho các dự án cao tốc trong vùng ĐBSCL khoảng hơn 35,6 triệu m3. Trong đó, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần khoảng 15 triệu m3, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cần hơn 17,8 triệu m3, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh cần hơn 1,3 triệu m3, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh cần 1,4 triệu m3. Trong khi đó, những năm gần đây, các tỉnh ĐBSCL đã dừng hoặc giảm sản lượng khai thác do trữ lượng các mỏ đã cạn và đạt cao trình cho phép theo quy hoạch. Hiện tại, nguồn cát phục vụ san lấp chủ yếu do các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang cung cấp. Theo kế hoạch, các dự án cao tốc tại ĐBSCL sẽ được khởi công vào giữa năm 2023. Do đó, chính quyền các địa phương đang rốt ráo chuẩn bị nguồn cát san lấp.

Ông Huỳnh Văn Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp cho biết, những năm gần đây, nguồn nước thượng nguồn chảy về sông Tiền, sông Hậu ngày càng giảm, lượng phù sa, trầm tích cát sông bồi đắp hàng năm giảm nhiều. Theo đó, công suất cho phép khai thác hàng năm giảm từ ngưỡng 9,4 triệu m3 (năm 2015) xuống 5,2 triệu m3 (năm 2021). Khối lượng khai thác cát thực tế hàng năm cũng giảm từ ngưỡng 9,4 triệu m3 (năm 2016) xuống 4,4 triệu m3 (năm 2021). Năm 2022, tỉnh Đồng Tháp cấp phép khai thác cát sông với công suất khoảng 6 triệu m3/năm. Xu hướng sản lượng khai thác tới đây sẽ giảm do nhiều mỏ cát đã gần hết trữ lượng.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, nhu cầu cát của Tỉnh trong giai đoạn 2022 - 2025 sẽ tăng nhanh. Chỉ tính riêng nhu cầu cát của Tỉnh năm năm 2023 cần 14,78 triệu m3, năm 2024 cần 10,4 triệu m3 và phải tới năm 2025 nhu cầu này mới dịu xuống con số 4,6 triệu m3 khi các công trình cao tốc dần đi vào giai đoạn hoàn thành.

“So sánh nhu cầu và khả năng cung ứng cho thấy, riêng trong năm 2022 khả năng cung ứng cát của Đồng Tháp chỉ đạt khoảng 44,75% so với nhu cầu. Tình hình khan hiếm nguồn cát rất gay gắt. Tuy vậy, Tỉnh vẫn nỗ lực cân đối để ưu tiên cung ứng nguồn cát cho các dự án giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn ĐBSCL, đơn cử như cung ứng hơn 1,2 triệu m3 cát cho cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ”, ông Nguyên nói và cho biết thêm: Khả năng cân đối để có thể cung ứng cát cho các công trình bên ngoài địa bàn Đồng Tháp trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tình trạng khan hiếm nguồn cát cũng được ghi nhận tại An Giang và Vĩnh Long, 2 địa phương trọng điểm khác còn trữ lượng có thể khai thác. Trong buổi làm việc với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang khẳng định: Hiện An Giang có khoảng 7 mỏ, 4 địa điểm chỉnh trị (dòng chảy sông kết hợp thu hồi cát) đang khai thác và 2 mỏ chuẩn bị đi vào khai thác. Hiện các mỏ không còn nhiều trữ lượng cho khai thác, phần lớn các mỏ có quy mô vài trăm ngàn tới hơn 1 triệu m3, chỉ có mỏ Bình Phước Xuân (trữ lượng 4,4 triệu m3, công suất 1,1 triệu m3/năm), các điểm chỉnh trị Vàm Nao và Bình Mỹ đều có trữ lượng 3 triệu m3, công suất 700 ngàn m3/năm mỗi điểm. Năm 2022, An Giang cung cấp khối lượng hơn 6,2 triệu m3 cát cho các dự án xây dựng. Dự tính, An Giang có khả năng cung cấp hơn 6,3 triệu m3 cát san lấp, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cho Dự án thành phần của cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng trên địa bàn Tỉnh. Khả năng cung ứng cho các dự án cao tốc ngoài Tỉnh là rất hạn chế.

Trong khi đó, theo thông tin Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long công bố thì năm 2022 địa phương thiếu hụt khoảng 5,5 triệu m3 cát sông dùng san lấp công trình. Hiện Tỉnh có 26 giấy phép khai thác cát sông còn hiệu lực với tổng khối lượng hơn 3,7 triệu m3/năm trong khi tổng nhu cầu sử dụng cát của Vĩnh Long khoảng 9,35 triệu m3. Trong bối cảnh hiện tại, nếu tình hình không có đột biến thì khả năng cân đối để cung cấp cát cho các dự án cao tốc của Vĩnh Long cũng rất căng thẳng.

Nhiều đề xuất giải bài toán chung cho vùng ĐBSCL

Đầu tháng 8/2022, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Tháp đã kiến nghị 3 nội dung nhằm giải bài toán thiếu cát san lấp cao tốc. Cụ thể, Đồng Tháp kiến nghị Trung ương: Giao các tỉnh ĐBSCL (kể cả cá tỉnh không có các tuyến cao tốc đi qua) rà soát, huy động nguồn vật liệu san lấp để cung ứng cho toàn khu vực, hoặc cục bộ trong thời gian ngắn cho các dự án cao tốc. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì làm việc với các tỉnh ĐBSCL rà soát nhằm cấp mới, cấp lại giấy phép khai thác cát, đất giúp tăng sản lượng khai thác mỏ mới, tăng trữ lượng khai thác mỏ hiện hữu. Các bộ, ngành hữu trách đẩy nhanh nghiên cứu vật liệu thay thế cát nước ngọt bằng cát đồi, cái nhiễm mặn, xỉ than… để làm vật liệu xây dựng, san lấp theo quy định…

Được biết, để giải quyết bài toán thiếu cát chung của ĐBSCL, tỉnh Sóc Trăng cũng đang tích cực đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu phương án thay thế bằng cát biển. Nếu đề xuất này được chấp thuận thì tính khả thi rất cao bởi Sóc Trăng có trữ lượng hàng tỷ m3 cát biển.

Chuyên đề