Vùng đất “Chín Rồng” cất cánh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn đã và sắp triển khai đầu tư tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mang tới kỳ vọng phát triển đột phá về kinh tế - xã hội. Lịch sử khai khẩn đất phương Nam, vùng đất “Chín Rồng” phù sa phì nhiêu, thêm một lần đứng trước cơ hội cất cánh, giúp cải thiện sinh kế và chất lượng sống của người dân.
Khi loạt công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như cao tốc, cầu, cảng biển… được hoàn thành đầu tư, vùng đất “Chín Rồng” sẽ cất cánh và có bước phát triển đột phá. Ảnh: Lê Tiên
Khi loạt công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như cao tốc, cầu, cảng biển… được hoàn thành đầu tư, vùng đất “Chín Rồng” sẽ cất cánh và có bước phát triển đột phá. Ảnh: Lê Tiên

Sắc diện tươi mới

Dịp lễ kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm nay, người dân và doanh nghiệp vùng ĐBSCL đón nhận thêm một tin vui là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được vận hành thử để chuẩn bị đưa vào khai thác. Hiện tại tuyến cao tốc dài 51 km với tổng mức đầu tư 12 ngàn tỷ đồng đã thi công đạt hơn 97% khối lượng, các hạng mục còn lại đang được nhà thầu gấp rút hoàn thiện đấu nối. Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang, địa phương đã báo cáo và chờ ý kiến Chính phủ để đưa vào sử dụng tuyến cao tốc này. Cùng với cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giúp cải thiện lớn năng lực vận tải liên vùng cho ĐBSCL. Cao tốc này rộng 16 m, gồm 4 làn xe, mỗi chiều bố trí 6 điểm dừng khẩn cấp. Giai đoạn mở rộng sẽ nâng lên 6 làn, gồm 2 làn dừng khẩn cấp.

Một công trình giao thông trọng điểm khác là cầu Mỹ Thuận 2. Dịp lễ 30/4 và 1/5 không khí thi công trên công trường vẫn khẩn trương, tiến độ xây dựng được đẩy nhanh, hàng trăm công nhân, thiết bị của các nhà thầu miệt mài làm việc. Cầu Mỹ Thuận 2 giúp nối 2 tuyến cao tốc quan trọng, kéo “mảnh đất Chín Rồng” xích lại gần với trung tâm kinh tế lớn TP.HCM và Đông Nam Bộ. Dự án này có tổng mức đầu tư 5 ngàn tỷ đồng, điểm đầu khớp nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, điểm cuối nối Dự án Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ với hơn 6 km. Dự kiến cầu Mỹ Thuận 2 sẽ hoàn thành vào năm 2023. Hiện tại, công trình đang vượt tiến độ và giá trị xây lắp đạt gần 51%. Theo Ban điều hành Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 thì Dự án có 5 gói thầu xây lắp, trong đó gói thầu thi công cọc khoan nhồi và bệ trụ các trụ nhịp chính dây văng từ trụ T14 đến T17 đã hoàn thành vào cuối năm 2021. Trong 4 gói thầu còn lại có 2 gói vượt tiến độ là Gói thầu XL01 và Gói thầu XL04 đạt hơn 80% khối lượng xây lắp.

Để vùng ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững, bắt kịp các khu vực khác thì hạ tầng giao thông cần được đầu tư đồng bộ. Ngoài các tuyến cao tốc theo trục dọc từ TP.HCM xuống Cần Thơ và kết thúc tại Cà Mau thì cần đầu tư cao tốc trục ngang (Đông - Tây) để giúp các tỉnh nằm sâu trong nội vùng phát triển. Đơn cử như tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Tuyến cao tốc huyết mạch khác giúp kết nối Cần Thơ với TP.HCM được người dân hết sức mong mỏi là Dự án Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Cao tốc này dài 23 km, đi qua các tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long. Ở giai đoạn 1, quy mô đầu tư gồm 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, bề rộng cầu 17,5 m, vận tốc 80 km/h. Hiện tại, trên công trường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, các nhà thầu đang huy động nhân lực, máy móc làm "3 ca, 4 kíp". Tính tới đầu tháng 4/2022, tổng khối lượng của 3 gói thầu xây lắp đạt khoảng 37% so với kế hoạch. Với tổng mức đầu tư khoảng 4.826 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công, Dự án đặt mục tiêu hoàn thành vào năm 2022, khai thác toàn bộ Dự án giai đoạn 1 trong năm 2023. Giai đoạn 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được nâng lên 6 làn xe, bề rộng nền đường là 32,25 m và vận tốc 100 km/h.

Mới đây, vào những ngày cuối tháng 3 có thêm 2 cây cầu quan trọng được khởi công xây dựng. Đó là cầu Rạch Miễu 2 vượt sông Tiền, nối tỉnh Tiền Giang với Bến Tre (tổng mức đầu tư 5.200 tỷ đồng) và cầu Châu Đốc (tổng mức đầu tư 534 tỷ đồng) thay thế phà Châu Giang hiện hữu, thuộc Dự án Xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối tỉnh An Giang với hai tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp.

Trong tương lai gần, những mảnh ghép hệ thống hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL sẽ được hoàn thiện mang tới diện mạo mới, tăng năng lực vận tải, tạo đột phá trong thu hút đầu tư. Ngoài các công trình đã và đang triển khai, vùng ĐBSCL sẽ có thêm các dự án cao tốc được xây dựng. Có thể kể đến các dự án cao tốc như: Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau (2 dự án thành phần thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Mỹ An - Cao Lãnh, Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, An Hữu - Cao Lãnh, Chơn Thành - Đức Hòa. Hiện tại, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai công tác chuẩn bị đầu tư mới 39 dự án giao thông, với tổng mức đầu tư khoảng 118.209 tỷ đồng cho vùng ĐBSCL. Các dự án sẽ tạo các trục dọc kết nối TP.HCM với các tỉnh vùng ĐBSCL và các trục ngang kết nối nội vùng nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương, đi lại của người dân.

Ảnh: Trần Minh Lương

Ảnh: Trần Minh Lương

Đất “Chín Rồng” sẽ cất cánh

Những khoản đầu tư lớn vào hệ thống hạ tầng giao thông mang tới cơ hội bứt phá cho vùng ĐBSCL và nhiều hy vọng cho người dân và doanh nghiệp trong Vùng. Anh Lục Văn Út Cực (quê huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), một công nhân có thâm niên gần 20 năm lên TP.HCM lao động trong Khu công nghệ cao chia sẻ, ký ức của người dân phải ly hương tìm kế sinh nhai về tình trạng ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1 trên hành trình về quê mỗi dịp lễ, tết dần nhạt phai khi các tuyến đường, cây cầu mới được Nhà nước đầu tư, rút ngắn thời gian mỗi chuyến hành trình thay vì mất nửa ngày xuống còn 4 - 5 tiếng.

Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá, một doanh nghiệp chế biến thủy sản tại tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, mỗi tháng Công ty cần vận tải trung bình từ 400 đến 700 container xuất khẩu từ Đồng Tháp lên các cảng tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và nhập khẩu lượng lớn nguyên vật liệu đầu vào ở chiều ngược lại. Hiện tại, doanh nghiệp không chỉ gánh mức chi phí vận tải hàng hóa rất lớn mà còn mất nhiều thời gian bởi hệ thống đường bộ chưa hoàn chỉnh, ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh. “Khi hình thành xong các tuyến cao tốc tại vùng ĐBSCL, đặc biệt là Mỹ An - Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh, chúng tôi có thể tiết kiệm ít nhất 20% chi phí vận tải, tương đương mỗi tháng vài tỷ đồng. Các đơn hàng xuất khẩu của Công ty sẽ được luân chuyển nhanh chóng, tăng hiệu quả kinh doanh và doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư cho người dân nuôi trồng thủy sản”, ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, nhà đầu tư ngần ngại vì thiếu cao tốc. Để vùng ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững, bắt kịp các khu vực khác thì hạ tầng giao thông cần được đầu tư đồng bộ. Ngoài các tuyến cao tốc theo trục dọc từ TP.HCM xuống Cần Thơ và kết thúc tại Cà Mau thì cần đầu tư cao tốc trục ngang (Đông - Tây) để giúp các tỉnh nằm sâu trong nội vùng phát triển. Đơn cử như tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Khi loạt công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như cao tốc, cầu, cảng biển… được hoàn thành đầu tư, sức cạnh tranh của nông sản được cải thiện, chi phí sản xuất, vận tải được kéo giảm, lực hút đầu tư tăng lên, vùng đất “Chín Rồng” sẽ cất cánh và có bước phát triển đột phá trong giai đoạn tới.

“Hiện tại, tỉnh An Giang lưu thông tuyến Quốc lộ 91 độc đạo song đã chật hẹp, sạt lở, tắc nghẽn thường xuyên. Điều này khiến các nhà đầu tư ngần ngại, từ đó ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, du lịch của An Giang. Là tỉnh nằm sâu trong nội vùng ĐBSCL, nếu chỉ phát triển cao tốc trục dọc thì An Giang bị chia cắt, khó bứt phá. Tới đây, Quốc hội xem xét đầu tư trục liên kết ngang, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có ý nghĩa rất lớn. Đây sẽ là tuyến cao tốc chiến lược về mặt an ninh, quốc phòng và tạo bước phát triển đột phá về kinh tế không chỉ cho An Giang mà cả vùng ĐBSCL. Dự án sẽ đáp ứng nhu cầu luân chuyển thuận lợi hàng hóa nông, thủy sản xuất khẩu của vùng ĐBSCL về cảng biển nước sâu Trần Đề, giúp giảm tải cho các cảng khu vực Đông Nam Bộ; đồng thời tăng năng lực giao thương cho các cửa khẩu trọng điểm quốc gia với Campuchia”, ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hình thành sẽ giúp An Giang phát triển toàn diện, đặc biệt là thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản và du lịch tốt hơn. Trong quy hoạch tới năm 2030, tầm nhìn 2050, tỉnh An Giang sẽ quy hoạch các khu, cụm công nghiệp và đô thị bám sát tuyến cao tốc này để tạo đột phá trong phát triển kinh tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, giao thông là điểm nghẽn của ĐBSCL nên từ 10 năm trước, phát triển hạ tầng giao thông được xác định là khâu đột phá ở ĐBSCL. Hiện tại giao thông ĐBSCL có bước phát triển đáng ghi nhận với nhiều dự án lớn đã hoàn thành. Tuy nhiên, để tiếp tục khơi thông điểm nghẽn, hạ tầng giao thông ĐBSCL cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn trong giai đoạn tới để tăng tính liên kết giữa không gian kinh tế vùng ĐBSCL với vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM. Tới đây, khi loạt công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như cao tốc, cầu, cảng biển… được hoàn thành đầu tư, sức cạnh tranh của nông sản được cải thiện, chi phí sản xuất, vận tải được kéo giảm, lực hút đầu tư tăng lên, vùng đất “Chín Rồng” sẽ cất cánh và có bước phát triển đột phá trong giai đoạn tới.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư