Vững bước vượt lên từ thành công của năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “1 năm trước, cũng tại hội nghị này, tôi nhấn mạnh năm 2020 phải phấn đấu đạt thành công cao hơn năm 2019. Ngày hôm nay, có thể nhận định rằng dù còn có những chỉ tiêu chưa đạt được nhưng thành công của năm 2020 đã hơn năm 2019, có thể nói như báo cáo của Chính phủ là thành công nhất trong 5 năm qua”.
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 6,5%. Ảnh: Lê Tiên
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 6,5%. Ảnh: Lê Tiên

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhận định như vậy tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 khai mạc ngày 28/12/2020.

Năm 2020 đã thành công hơn năm 2019

Sở dĩ nói thành công hơn, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là do những kết quả được trong một năm có nhiều khó khăn, thách thức lớn bất ngờ, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế thế giới và trong nước. Chính phủ đã ứng phó nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, có hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh, chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Dẫn lời của Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam: “Ở lại Việt Nam thời dịch là một may mắn xa xỉ”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những thành công trong chống dịch Covid-19, từ đó tạo điều kiện phục hồi kinh tế, đạt tăng trưởng kinh tế cao nhất có thể.

Theo số liệu được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu tại Hội nghị, trong 5 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP. Riêng năm 2020, dù trong muôn vàn khó khăn bởi dịch Covid-19 và sự suy thoái nghiêm trọng nhất của kinh tế thế giới kể từ đại suy thoái 1929 - 1932, kinh tế Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng xấp xỉ 3%, đạt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định vĩ mô…

Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô kinh tế Việt Nam đạt hơn 340 tỷ USD - đứng trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương đương hoặc vượt qua một số nền kinh tế có trình độ phát triển cao trong khu vực, kể cả một số “con hổ” của Đông Á. Tạp chí Nhà kinh tế của Anh xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Một hãng định giá thương hiệu nổi tiếng của Anh đã định giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam là 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm ngoái, đưa Việt Nam lên vị trí 33 (tăng 9 bậc) trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới. Đây không phải là kết quả mới mà liên tục 4 năm qua, thứ hạng giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng một cách vững chắc nhờ những nỗ lực về cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu...

Đặc biệt, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19, Việt Nam nổi lên là "thiên đường" sản xuất mới tại Đông Nam Á với những dự báo tích cực về tăng trưởng GDP.

Thủ tướng nêu bật thành công không chỉ được đo bằng những gì đạt được mà còn bởi những trở ngại đã vượt qua. Với những thành quả đặc biệt đó, năm 2020 có thể được xem là năm thành công nhất trong 5 năm nhiệm kỳ 2016 - 2020 về ý chí và tinh thần vượt khó vươn lên.

Không chủ quan, tự tin để bứt phá mạnh mẽ

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Chính phủ tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn với thành tích đã đạt được vì mục tiêu, yêu cầu đề ra cho năm 2021 và nhiệm kỳ tới là rất cao trong khi đất nước vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn. Chính phủ cần tiếp tục quán triệt thực hiện ngay từ đầu năm các nghị quyết của Đại hội XIII sắp tới, nghị quyết của Quốc hội… bằng những chương trình hành động phù hợp, sát thực tế, phấn đấu năm 2021 và 5 năm 2021 - 2025 đạt kết quả tổng thể cao hơn các năm trước, nhiệm kỳ trước.

Nghị quyết của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%, lạm phát khoảng 4%... Những chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở tính toán, cân đối các nguồn lực gắn với bối cảnh dự báo cho năm 2021, nhất là tình hình dịch Covid-19 trong nước và thế giới. Đạt được các chỉ tiêu này là thách thức rất lớn, nhưng với quyết tâm chính trị cao, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu trong điều hành GDP 2021 tăng thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, lên mức 6,5% và đặt quyết tâm cao hơn cho các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác.

Thủ tướng chỉ ra cơ hội từ làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số là rất lớn, giúp mở ra không gian mới cho sự phát triển. Từ nửa sau thế kỷ 21, thế giới có thể sẽ không còn nhớ đến những quốc gia dẫn đầu về thu nhập nhưng sẽ luôn nhớ đến những quốc gia, những tổ chức, những cá nhân tiên phong trong một số thành tựu đem lại cuộc sống tốt hơn cho con người. “Việt Nam chưa thể đứng ở nhóm đầu các quốc gia về thu nhập, nhưng hoàn toàn có thể đi đầu trong một số ngành và lĩnh vực mới khai phá”, Thủ tướng nhận định. Việc đưa Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn sẽ biến cơ hội thành lợi thế, biến lợi thế thành nguồn lực, chuyển nguồn lực thành kết quả tăng trưởng bền vững cho đất nước.

Yếu tố “đổi mới sáng tạo” cũng được thêm vào phương châm hành động của Chính phủ tại Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Đây được coi là một trong những động lực quan trọng để thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, bên cạnh đoàn kết, kỷ cương, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển.

Chuyên đề