Tập đoàn Điện lực Việt Nam có tỷ lệ giá trị gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng chiếm 58,1% tổng giá trị các gói thầu. Ảnh: Lê Tiên |
Đấu thầu qua mạng mở rộng, vươn xa
Đấu thầu qua mạng (ĐTQM) như làn sóng lan tỏa mạnh mẽ với sức ảnh hưởng rất tích cực tới các chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu.
Ít ai có thể nghĩ rằng trong năm 2019, huyện Tân Trụ, một huyện xa xôi, thuộc diện còn nhiều khó khăn của tỉnh Long An đã áp dụng ĐTQM một cách nhanh chóng. Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện bên mời thầu này cho biết, không vì điều kiện xa xôi, hạn chế về máy móc mà đứng ngoài cuộc với ĐTQM. “Chúng tôi áp dụng ĐTQM với cả những gói thầu xây lắp. Ban đầu cũng gặp một số khó khăn, nhưng nếu quyết tâm, từng bước từng bước sẽ thành công. Tổ chức ĐTQM quen rồi sẽ cảm nhận được rất nhiều tiện ích và hiệu quả đối với công tác đấu thầu”, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tân Trụ khẳng định.
Mới trong năm 2018, Bên mời thầu còn bị nhà thầu phàn nàn về việc gây khó khăn trong tiếp cận hồ sơ mời thầu (HSMT), nhưng chỉ sau một năm, tư tưởng tiến bộ và nỗ lực áp dụng ĐTQM đã cải thiện rất nhiều chất lượng tổ chức đấu thầu của bên mời thầu này. Một số đơn vị tư vấn đấu thầu đánh giá, huyện Tân Trụ có thể xem là một điển hình vượt khó, mạnh dạn áp dụng ĐTQM trong điều kiện hạn chế.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong hai chỉ tiêu về ĐTQM nêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, đến hết tháng 11/2019, chỉ tiêu về tỷ lệ giá trị gói thầu thực hiện ĐTQM trên tổng giá trị gói thầu đã vượt kế hoạch đề ra, đạt 19,8% (chỉ tiêu năm 2019 là 15%).
Dẫn đầu về chỉ tiêu này là UBND tỉnh Bình Phước với tỷ lệ giá trị gói thầu thực hiện ĐTQM trong tổng giá trị gói thầu thuộc phạm vi áp dụng ĐTQM đạt 71,5%. Tiếp đến là UBND các tỉnh: Thanh Hoá (42,8%), Bắc Ninh (42,7%), Kon Tum (40,5%)…
Về khối tổng công ty nhà nước, có 4 trong số 19 đơn vị đạt và vượt chỉ tiêu về giá trị. Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có tổng giá trị gói thầu áp dụng ĐTQM là 28.367,6 tỷ đồng, trong khi tổng giá trị các gói thầu của Tập đoàn thuộc phạm vi áp dụng ĐTQM là 48.851,4 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 58,1%...
Đây là những con số rất đáng ghi nhận vào thời điểm tròn 10 năm vận hành lộ trình ĐTQM - một hành trình đủ dài để những người tham gia từ đầu nhận ra, thời điểm bùng nổ ĐTQM đã thực sự bắt đầu.
Và lúc này, nhiều người đặt câu hỏi tại sao Bình Phước - một tỉnh từ năm 2017 về trước chưa thực hiện ĐTQM nhưng chỉ sau một thời gian ngắn có tốc độ phát triển ngoạn mục nhất, vươn lên dẫn đầu cả nước? Có thể nói, địa phương này có sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo cao nhất.
Ngay từ ngày 17/12/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm đã ký quyết định về việc giao kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương năm 2019. Theo đó, UBND Tỉnh mạnh mẽ yêu cầu các chủ đầu tư phải “khẩn trương triển khai thực hiện dự án sau khi nhận được quyết định giao chi tiết kế hoạch vốn năm 2019. Các công trình khởi công mới phải được ĐTQM theo kế hoạch tổng thể, lộ trình được phê duyệt và khởi công chậm nhất trong 4 tháng đầu năm 2019”.
Cũng trong năm qua, công tác đấu thầu đã trở nên chuyên nghiệp hơn bao giờ hết bởi đội ngũ làm công tác này đã có hơn 3 năm rèn giũa, được đào tạo, thi sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề. Đến nay, Cục Quản lý đấu thầu đã tổ chức 23 kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề đấu thầu cho hàng chục ngàn lượt cán bộ ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Hàng ngàn cán bộ công tác trong lĩnh vực liên quan đến đấu thầu đã được cấp chứng chỉ hành nghề, giúp công tác này ngày càng chuyên nghiệp, bài bản, đảm bảo đáp ứng yêu cầu.
Còn nhiều nơi đấu thầu kiểu “riêng một góc trời”
Chính vì vậy, năm 2019 là một năm bận rộn của đường dây nóng Báo Đấu thầu, với nhiều lần tiếp nhận phản ánh của nhà thầu về việc không mua được HSMT. Một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an do điều kiện địa điểm bán HSMT khá đặc biệt, phải trải qua nhiều thủ tục, dẫn tới khó khăn nhất định cho nhà thầu trong quá trình mua HSMT. Cá biệt, có nhiều đơn vị dẫu Báo Đấu thầu đã vào cuộc xác minh, phản ánh tình trạng bưng bít HSMT nhưng vẫn bất chấp, không điều chỉnh cách làm việc, không gia hạn thời điểm đóng thầu để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các nhà thầu.
Với những gói thầu xây lắp lĩnh vực giao thông, thủy lợi, hiện tượng nhà thầu khi dự thầu phải đối diện với “giang hồ”, bị hành hung, cướp hồ sơ dự thầu… đã xảy ra tại Quảng Nam, Quảng Ngãi…
Một số câu chuyện nổi cộm của năm 2019 buộc chúng ta phải suy ngẫm như: ép nhà thầu rời buổi mở thầu tại Đắk Lắk, tiêu chí trong HSMT mang tính cài cắm, đưa ra các tiêu chí “trên trời” tại một số gói thầu. Có gói thầu phải gia hạn phát hành HSMT đến 9 lần và sau đó phải hủy thầu bởi những bất đồng liên miên về tiêu chí kỹ thuật của thiết bị giữa các bên liên quan tại Kiên Giang…
Năm 2019 cũng là năm mà một số tỉnh tại Đồng bằng sông Cửu Long có động thái đồng loạt chấm dứt hợp đồng với các nhà thầu yếu kém, vi phạm hợp đồng, thi công chậm chạp…
Trong năm qua, Bộ KH&ĐT đã “kê nhiều đơn thuốc đặc trị” tiêu cực trong đấu thầu, trong đó phải kể đến Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu (gọi tắt là Chỉ thị 03) với sự quyết liệt, mạnh mẽ chưa từng có.
Trong tất cả các khâu liên quan đến đấu thầu, Chỉ thị 03 đều yêu cầu gắn trách nhiệm của lãnh đạo, người phụ trách với công tác đấu thầu tại mỗi địa phương, tập đoàn, tổng công ty, đơn vị. Chỉ thị 03 yêu cầu lãnh đạo được phân công phụ trách công tác đấu thầu phải thường xuyên nắm bắt thông tin, thực hiện giám sát, tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát nếu cần thiết để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, tiêu cực trong đấu thầu.
Đây chính là một điểm nhấn mạnh mẽ của năm 2019, tạo bản lề cho một năm 2020 với những chuyển động tích cực hơn, hiệu quả hơn trong hoạt động đấu thầu.