Kết quả kinh doanh bết bát của Minh Phú trái ngược hoàn toàn với kế hoạch đầy tham vọng |
Cụ thể, quý IV/2015 Công ty tiếp tục lỗ 19,5 tỷ đồng, khiến cả năm Minh Phú lỗ 7 tỷ đồng sau thuế. Sau năm 2014 lãi kỷ lục 921 tỷ đồng, kết quả kinh doanh năm 2015 của Minh Phú rõ ràng khiến không ít nhà đầu tư và giới phân tích bất ngờ.
Thời hoàng kim
Minh Phú được biết đến cái tên “Vua tôm Minh Phú”, với vị thế ít ai địch nổi trong lĩnh vực nuôi và xuất khẩu tôm. Doanh thu thuần cũng như kim ngạch xuất khẩu của Minh Phú liên tục tăng trong giai đoạn trước 2014 - năm mà Công ty có doanh thu và lợi nhuận kỷ lục.
Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu tôm của Minh Phú chiếm khoảng 18,8% kim ngạch cả nước. Minh Phú cũng là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới từ nhiều năm nay. Tham vọng của Minh Phú là đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD vào năm 2020, cùng với kế hoạch đầu tư tăng công suất chế biến, mở rộng thị trường và tăng thị phần ở những thị trường truyền thống.
Với kết quả khởi sắc năm 2014 cũng như xu hướng tăng trưởng rõ rệt, Đại hội cổ đông thường niên 2015 của Minh Phú đã thông qua kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu Doanh thu thuần và Lợi nhuận sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 19.333 tỷ đồng và 1.415 tỷ đồng, tăng vọt so với kết quả thực hiện năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu kế hoạch đề ra 896 triệu USD. Nếu hoàn thành kế hoạch, một lần nữa Vua tôm Minh Phú lại phá kỷ lục do chính mình lập ra năm 2014.
So sánh kết quả kinh doanh và kế hoạch năm 2015, kết quả năm 2014 (Đơn vị: Tỷ đồng).
Lao dốc
Người tính không bằng trời tính, năm 2015 lại là năm khá ảm đạm với ngành tôm với sản lượng thấp và giá lao dốc. Xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2015 gặp nhiều khó khăn hơn, kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ yếu từ các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, EU và giá tôm giảm trên toàn thế giới.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty cho biết, Minh Phú, cũng như các công ty tôm khác, năm vừa qua đã bắt đầu ngấm đòn tỷ giá. Các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia đã phá giá đồng tiền quá mạnh, khiến hàng hóa của họ - trong đó có tôm được xuất khẩu vào Mỹ, Nhật Bản… dễ dàng hơn, do “rẻ” hơn. Trong khi đó, đồng Việt Nam giảm chưa đủ sâu so với đồng USD, giá tôm xuất khẩu vào Mỹ, Nhật vì vậy cũng đắt hơn tương đối.
Cũng phải nhắc lại, Mỹ và Nhật Bản chiếm trên 60% kim ngạch xuất khẩu tôm của Minh Phú trong thời gian gần đây.
Biến động tỷ giá là rủi ro mà Minh Phú chưa từng lường đến trước khi đặt kế hoạch kinh doanh lạc quan cho năm 2015. Và kết quả như đã thấy, năm 2015 Minh Phú lỗ gần 7 tỷ đồng - là tín hiệu cực kỳ xấu đối với một doanh nghiệp uy tín, đứng đầu ngành như Minh Phú. Một trong những điểm sáng khá hiếm hoi đối với Minh Phú là mặc dù thua lỗ, doanh thu thuần công ty năm 2015 không giảm quá sâu, chỉ ở mức 18,6% so với kết quả thực hiện năm 2014.
Doanh thu thuần (đơn vị: Tỷ đồng) và kim ngạch xuất khẩu của Minh Phú (đơn vị: Triệu USD) – Riêng kim ngạch xuất khẩu 2015 là con số kế hoạch.
Cổ đông “ăn bánh vẽ”?
Năm 2013, là một trong những doanh nghiệp làm ăn tốt nhất thị trường chứng khoán, Minh Phú bất ngờ đưa ra quyết định hủy niêm yết tự nguyện với mục đích phát hành 30 triệu cổ phần cho đối tác CPFoods của Thái Lan với mức giá có thể lên tới 50.000 đồng/cổ phần - trong khi thị giá MPC lúc bấy giờ chỉ xoay quanh mức 30.000 đồng/cổ phần.
Hội đồng quản trị Minh Phú đã đề xuất kế hoạch mua lại cổ phiếu từ cổ đông nhỏ lẻ với giá 20.000 đồng. Tuy nhiên, sau đó 1 năm, khi kế hoạch hủy niêm yết được vạch ra cụ thể, mức giá cổ phiếu công ty này mua lại đã được nới ra đến 100.000 đồng/cổ phần. Kết quả kinh doanh rực rỡ của Minh Phú đã hỗ trợ đắc lực cho giá cổ phiếu của công ty này.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng vào ngày 31/3/2015 trước khi Công ty chính thức hủy niêm yết, thị giá MPC đã đạt mức giá 122.000 đồng/cổ phần. Có thể thấy rằng, với mức giá 100.000 đồng được Công ty đưa ra, cổ đông của Minh Phú cũng không mấy mặn mà bán lại. Cơ hội đối với Công ty còn nhiều, nhất là sau đợt cổ tức khủng bằng tiền mặt 50% được chốt quyền vào tháng 9/2014.
Quả vậy, sau khi hủy niêm yết, ngày 18/4/2015, Đại hội cổ đông Minh Phú đã quyết định tỷ lệ chi trả cổ tức 50% bằng tiền mặt.
Nhưng sau đó 4 tháng, khi tình hình kinh doanh u ám, HĐQT Công ty đã thống nhất tạm dừng không chia cổ tức như Đại hội cổ đông đã thông qua trước đó. Minh Phú đã bất ngờ cho cổ đông “ăn bánh vẽ”.
Kế hoạch phát hành thêm 30 triệu cổ phiếu cho CPFoods năm 2013 đã đổ bể. Năm 2015, Nghị quyết ĐHCĐ thường niên một lần nữa lên kế hoạch phát hành thêm 30 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, tính đến 2/3/2016, kế hoạch nói trên vẫn chưa được thực hiện.
Từ ông vua của ngành tôm, Minh Phú đã hết lần này lượt khác làm cổ đông thất vọng, chỉ sau một năm thua lỗ. Câu hỏi đặt ra là liệu thời hoàng kim của Vua tôm Minh Phú đã thực sự đi qua?