Vừa phê chuẩn gói hạ tầng 1 nghìn tỷ USD, Thượng viện Mỹ bàn ngay đến kế hoạch tiêu 3,5 nghìn tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Sau khi phê chuẩn kế hoạch đầu tư hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ USD vào ngày thứ Ba (10/8), Thượng viện Mỹ đã ngay lập tức khởi động cuộc thảo luận về một kế hoạch chi tiêu 3,5 nghìn tỷ USD tiếp theo...
Toà nhà Quốc hội Mỹ ở Capitol Hill - Ảnh: Reuters.
Toà nhà Quốc hội Mỹ ở Capitol Hill - Ảnh: Reuters.

Theo tin từ Reuters, Thượng viện Mỹ gồm 100 thành viên đã thông qua kế hoạch hạ tầng với 69 phiếu thuận và 30 phiếu chống. Được khởi xướng bởi Tổng thống Joe Biden, đây sẽ là chương trình đầu tư lớn nhất của nước này trong nhiều thập kỷ trở lại đây vào hệ thống đường xá, cầu, sân bay, và giao thông đường thuỷ.

Dù chỉ nắm đa số mong manh ở Thượng viện, Đảng Dân chủ của ông Biden vẫn đặt kỳ vọng rằng vào gói chi tiêu 3,5 nghìn tỷ USD tiếp theo sẽ được thông qua sau vài tháng nữa. Thậm chí, họ đã tính đến khả năng sẽ dùng một quy trình đặc biệt để kế hoạch này được thông qua trong trường hợp không hội đủ sự ủng hộ của phe Cộng hoà. Kế hoạch này tập trung vào các ưu tiên chủ chốt của ông Biden về chống biến đổi khí hậu, trường mẫu giáo miễn phí cho tất cả trẻ em Mỹ, và nhà ở với giá cả phải chăng cho người dân.

Sau khi được Thượng viện phê chuẩn, các kế hoạch này đều cần có sự thông qua ở Hạ viện. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói rằng Hạ viện sẽ không tiếp nhận một trong hai kế hoạch cho tới khi cả hai cùng được thông qua ở Thượng viện. Điều này có nghĩa là Đảng Dân chủ cần giữ vững được thế đa số ở cả hai viện Quốc hội thì mới có khả năng đưa được hai dự luật khổng lồ tới bàn làm việc của ông Biden để ông ký thành luật.

Các cuộc thăm dò dư luận ở Mỹ cho thấy kế hoạch nâng cấp hạ tầng rất được lòng cử tri nước này. Được các thượng nghị sỹ của cả hai đảng bàn bạc suốt mấy tháng trời, kế hoạch gồm 550 tỷ USD vốn đầu tư mới và 450 vốn đầu tư đã được phê chuẩn trước đó.

Trong một bài phát biểu tại Nhà Trắng, ông Biden hoan nghênh việc Thượng viện thông qua kế hoạch, nói rằng chương trình đầu tư này “sẽ mang lại cho nước Mỹ khả năng cạnh tranh vượt trội so với phần còn lại của thế giới”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen ủng hộ ý tưởng về gói chi tiêu 3,5 nghìn tỷ USD tiếp sau gói 1 nghìn tỷ USD. “Thực ra, công việc của chúng ta còn chưa xong… Bởi vì nếu thực sự muốn xây dựng một nền kinh tế mạnh hơn, chúng ta phải đầu tư vào không chỉ cơ sở hạ tầng, mà còn cả những chương trình xã hội khác như chăm sóc trẻ nhỏ, giáo dục và nhà ở có chi phí phải chăng”, bà Yellen nói trong một tuyên bố.

Một ngày trước đó, bà Yellen kêu gọi Quốc hội Mỹ nâng trần nợ quốc gia, cảnh báo về những hệ quả kinh tế nếu trần nợ không được nâng trước khi Chính phủ Mỹ hết khả năng vay nợ thêm vào tháng 10 năm nay.

Một số nghị sỹ Cộng hoà đã phản đối việc nâng trần nợ từ mức 28,5 nghìn tỷ USD hiện nay vì không muốn nợ quốc gia tăng thêm. Sự phản đối này đặt ra nguy cơ một lần nữa Chính phủ Mỹ phải đóng cửa.

Tuần trước, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) nói rằng dự luật hạ tầng sẽ khiến thâm hụt ngân sách liên bang tăng thêm 256 tỷ USD trong 10 năm tới. Trong khi đó, các nghị sỹ ủng hộ dự luật nói rằng CBO đánh giá quá thấp về nguồn thu mà kế hoạch có thể mang lại.

Chuyên đề