Bị cáo Hà Văn Thắm tại phiên xét xử. Ảnh: TTXVN |
Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài trong 20 ngày. Tham gia tố tụng có khoảng 50 luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, nguyên đơn dân sự. Khoảng 600 cá nhân và tổ chức đã được triệu tập đến phiên tòa.
Bị án Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng VNBC, người đang thụ án 30 năm tù giam đã bị di lý ra Hà Nội tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Bản cáo trạng dài 136 trang truy tố 48 bị cáo theo 3 tội danh Vi phạm quy đinh về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo đó, tại Oceanbank đã xảy ra các sai phạm trong hoạt động tín dụng đặc biệt là việc cho vay công ty sân sau của Phạm Công Danh để mua Ngân hàng Đại Tín Trustbank. Ngoài ra, trong giai đoạn khó khăn chung của ngành ngân hàng, để duy trì nguồn tiền gửi Oceanbank đã chi trả lãi ngoài vượt trần lãi suất huy động do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Khoản tiền chi lãi ngoài này lên tới hơn 1.500 tỷ đồng. Tài liệu điều tra xác định trong thời gian từ năm 2011 - 2014, có hơn 51.000 cá nhân và 392 tổ chức gửi tiền và nhận tiền chi lãi suất ngoài hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm do Oceanbank chi trả.
Có nhiều khách hàng có số tiền gửi lớn là các tổ chức kinh tế thuộc doanh nghiệp có vốn Nhà nước, chủ yếu là nhóm khách hàng thuộc PVN và Vinashin (nay là SBIC). Có dấu hiệu móc ngoặc giữa doanh nghiệp với lãnh đạo, nhân viên Oceanbank nhận khoản tiền lãi ngoài để ngoài sổ sách kết toán nhằm hưởng lợi bất chính.
Oceanbank cũng buộc các doanh nghiệp vay vốn và mua ngoại tệ phải chi trả chênh lệch ngoài thông qua việc thu phí dịch vụ. Công ty BSC – do Hà Văn Thắm thành lập được sử dụng để thu phí của các khách hàng dù họ không có nhu cầu dịch vụ gì.