Bắt đầu xét xử vụ án Hà Văn Thắm

(BĐT) - Sáng nay (27/2), Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại dương (Oceanbank). Đây là một trong số 6 vụ án nghiêm trọng mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã yêu cầu sớm đưa ra xét xử đảm bảo. 
Bắt đầu xét xử vụ án Hà Văn Thắm

Vụ án xảy ra trong giai đoạn ngành ngân hàng có hiện tượng chênh lệch lãi suất, lãi trong lãi ngoài khi huy động và tăng lãi suất huy động thông qua việc thu phí dịch vụ đặc biệt với các ngân hàng nhỏ. Những kết quả điều tra tại Oceanbank bóc tách rõ nét các hoạt động này.

Cụ thể, cuối năm 2008, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) ký thỏa thuận với Oceanbank để trở thành đối tác chiến lược. PVN đã đầu tư 800 tỷ đồng vào Oceanbank. Nguyễn Xuân Sơn được giới thiệu làm thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Oceanbank. Với vai trò đối tác chiến lược, PVN và các đơn vị thành viên đã cam kết gửi tiền tại Oceanbank.

Tuy nhiên, để thu hút được nguồn vốn này, Nguyễn Xuân Sơn đã đề nghị Hà Văn Thắm – Chủ tịch HĐQT Oceanbank chi thêm khoản “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng. Khoản này Nguyễn Xuân Sơn được toàn quyền quyết định mà không cần trao đổi chi tiết với Hà Văn Thắm.

Với đặc thù là một ngân hàng nhỏ, vừa chuyển đổi từ ngân hàng nông thôn, khó cạnh trạnh trong việc huy động vốn, Hà Văn Thắm đã chấp nhận mức chi ngoài khoảng 1% để thu hút được nguồn tiền gửi của nhóm khách hàng thuộc PVN. Hà Văn Thắm đã ra chủ trương vè việc chi trả lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng gửi tiền trên toàn hệ thống Oceanbank.

Tron giai đoạn này, Ngân hàng Nhà nước quy định về trần lãi suất huy động vốn bằng VND của các tổ chức và cá nhân bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức không quá 14%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn.

Để có nguồn chi chăm sóc khách hàng gửi tiền, Hà Văn Thắm đã sử dụng Công ty CP BSC Việt Nam (Công ty BSC) để ký hợp đồng làm dịch vụ với các khách hàng có nhu cầu vay vốn của Oceanbank. Theo lời khai của các khách hàng thì việc ký hợp đồng dịch vụ và nộp phí cho Công ty BSC là theo hướng dẫn của cán bộ ngân hàng. Thực tế, khách hàng không có nhu cầu về dịch vụ và Công ty BSC cũng không cung cấp dịch vụ gì nhưng phải ký hợp đồng và trả phí để được Ngân hàng cho vay vốn hoặc bán ngoại tệ.

Tổng số tiền Công ty BSC thu phí ngoài lãi suất theo hợp đồng là gần 70 tỷ đồng. Số tiền này đã được chi gần hết cho Nguyễn Xuân Sơn và không đủ bù đắp chi trả lãi ngoài cho các khách hàng gửi tiền.

Số tiền chi lãi ngoài lên tới hơn 1.500 tỷ đồng và được hạch toàn vào tài khoản chi trả lãi TK801 không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ, trái với quy định của Chính phủ về chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng. Việc này gây ra thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho Oceanbank.

Chủ trương chi lãi ngoài không được ban hành thành văn bản mà chỉ được Hà Văn Thắm chỉ đạo miệng tại các cuộc họp và quá trình thực hiện, các lãnh đạo của các khối nghiệp vụ ngân hàng thông báo cho các chi nhánh qua email, skype.

Ngoài các hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tại Oceanbank còn xảy ra những vi phạm quy định cho vay.

Việc này có liên quan đến giao dịch mua lại Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank). Khi đó, bà Hứa Thị Phấn và Hà Văn Thắm đã gặp gỡ trao đổi về việc chuyển giao lại TrustBank cho Hà Văn Thắm qua việc bán 82,9% vốn điều lệ của TrustBank.

Tuy nhiên, khi vào tiếp quản TrustBank, Hà Văn Thắm phát hiện nhiều khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi cũng như mối quan hệ phức tạp giữa bà Phấn và nhóm khách hàng này, do đó, Hà Văn Thắm tính chuyện tìm đối tác khác để chuyển nhượng lại TrustBank.

Tiếp đó là các trao đổi và giao dịch với Phạm Công Danh Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh. Phạm Công Danh đồng ý mua lại cổ phần TrustBank với giá 4.619 tỷ đồng.

Bộ ba Thắm – Danh – Phấn đã thỏa thuận Oceanbank cho Danh vay 500 tỷ đồng và số tiền này Danh sẽ sử dụng để tất toán cho 5 hợp đồng vay của nhóm bà Phấn tại TrustBank và ghi nhận vào việc Danh trả tiền mua cổ phần TrustBank.

Sau đó Oceanbank đã cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng. Người đại diện của Công ty Trung Dung vốn là lái xe. Vốn điều lệ 250 tỷ đồng của Công ty Trung Dung không có thật, không có tính pháp lý, tài sản bảo đảm không đủ so với khoản vay trái với các quy định về cho vay của Ngân hàng Nhà nước cũng như các quy định nghiệp vụ của Oceanbank.

Ngoài ra, tại Oceanbank còn có 9 hồ sơ khống vay 137 tỷ đồng tại Phòng giao dịch Đào Duy Anh (Hà Nội). Số tiền này được giải ngân vào tài khoản của Công ty Viptour-Togi và Hà Văn Thắm đã nhận số tiền này để sử dụng trả các khoản nợ cá nhân của Thắm.

Tại Oceanbank còn có nhiều khoản vay có sai phạm trong thẩm định, phê duyệt, giải ngân, kiểm tra sau vay dẫn đến nợ nhóm 5 khoảng 4.935 tỷ, đồng, nợ khó có khả năng thu hồi 9.048 tỷdồng.

Được biết, có khoảng 600 người đã được triệu tập và phiên tòa dự kiến kéo dài 20 ngày.

Chuyên đề