Nhà thầu Trung Quốc tìm cách đẩy khó khăn cho Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh. Ảnh: Vĩnh Sơn |
Hiện các thông tin khởi kiện chưa được công bố cụ thể do tính bảo mật.
Từ dự án nghìn tỷ
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Thành Trung, Chủ tịch HĐQT VSH cho biết, phía nhà thầu Hoa Đông không đáp ứng tiến độ thi công Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum, hai bên đã chấm dứt hợp đồng. Căn cứ điều khoản hợp đồng, VSH đã thu hồi 428 tỷ đồng tiền bảo lãnh. Tuy nhiên, không đồng ý với quyết định này, nhà thầu Hoa Đông đã khởi kiện lên VIAC.
Được biết, Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum được khởi công cuối tháng 9/2009 với giá trị phê duyệt lên tới 5.744 tỷ đồng. Sau gần 5 năm triển khai, Dự án đã chậm trễ so với tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. VSH nhận định nguyên nhân chính của việc chậm tiến độ thi công công trình là do nhà thầu thi công chậm trễ nghiêm trọng.
Để thắng thầu gói thầu tuyến năng lượng, nhà thầu Trung Quốc đã bỏ giá 1.615 tỷ đồng (sau quy đổi), chỉ bằng 44,7% giá dự thầu của nhà thầu xếp thứ 2. Tiết kiệm đến đâu chưa biết, nhưng công tác tổ chức điều hành thi công của nhà thầu này không tốt, thiết bị phụ tùng dự phòng cho thi công thiếu, đội ngũ công nhân quản lý vận hành máy móc thiếu kinh nghiệm… đã khiến việc thi công bị chậm trễ nghiêm trọng.
Kịch bản của nhà thầu Trung Quốc
ĐHCĐ thường niên 2015 của VSH đã thông qua chủ trương điều chỉnh Tổng mức đầu tư dự án Thủy điện Thượng Kon Tum từ mức 5.744 tỷ đồng lên 7.104 tỷ đồng. Chi phí phụ trội trực tiếp do Hoa Đông chậm tiến độ là 139,4 tỷ đồng. Chi phí xây dựng được điều chỉnh tăng mạnh nhất (gần 1.332 tỷ đồng) do thay đổi biện pháp thi công, hậu quả gián tiếp của việc nhà thầu Trung Quốc ngừng thi công. VSH đã chọn các nhà thầu Việt thay thế nhà thầu Hoa Đông theo hình thức chỉ định thầu.
Ngày 27/5/2016, VSH sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên 2016. Ông Võ Thành Trung khẳng định, Công ty vẫn bảo đảm tỷ lệ cổ tức năm 2016 giữ nguyên 10% như năm 2015.
Không chỉ vậy, trong quá trình thi công, nhà thầu đã lợi dụng một số khó khăn xảy ra trên công trường như sự cố điện, tắc đường mùa mưa bão, nước ngầm trong đường hầm… để nâng khống giá trị khối lượng bổ sung, phát sinh (gọi là bồi thường) lên đến hơn 800 tỷ đồng. VSH đánh giá đây là khoản chi phí vô lý, không có cơ sở và cũng không phù hợp với quy định của hợp đồng. Công ty có đầy đủ bằng chứng thực tế và cơ sở pháp lý để chứng minh các yêu cầu nói trên là hoàn toàn vô lý.
Đội giá gói thầu có vẻ là kịch bản tương đối quen thuộc của các nhà thầu khi mức giá thắng thầu cách xa các “đối thủ”,
Việc chấm dứt hợp đồng là nguyện vọng từ phía nhà thầu, không phải là từ phía chủ đầu tư là Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh. Để đạt mục đích, từ đầu tháng 5/2014, Hoa Đông đã liên tục đưa ra nhiều lý do để chấm dứt hợp đồng. VSH không chấp thuận, và không chấp nhận đền bù chi phí mà Hoa Đông đưa ra.
Phía VSH cho rằng, do Hoa Đông bỏ giá thấp, điều hành không tốt, chậm tiến độ dẫn đến thua lỗ nặng. Càng thi công càng thua lỗ, nhà thầu này đã tìm cách chấm dứt hợp đồng, đẩy khó khăn về phía chủ đầu tư. Đến 18/7/2014 Hoa Đông đã dừng thi công tất cả các hạng mục của hợp đồng.
Đến những tranh chấp hậu hợp đồng
Với việc chấm dứt này, nhà thầu đã gửi đơn kiện lên VIAC với lý do “Chủ đầu tư đã vi phạm hợp đồng”. Về phía Chủ đầu tư, VSH cho rằng nhà thầu vi phạm hợp đồng và thông báo cho phía Ngân hàng Trung Quốc, yêu cầu ngân hàng này thực hiện các khoản bảo lãnh hợp đồng và tạm ứng hợp đồng liên quan. Kết quả là ngày 29/7/2014, Ngân hàng đã hoàn trả toàn bộ hơn 428 tỷ đồng tiền bảo lãnh hợp đồng và tạm ứng hợp đồng cho Chủ đầu tư.
Không dừng lại ở đó, nửa cuối tháng 11/2014, VSH đã có đơn phản tố gửi VIAC đòi nhà thầu bồi thường thiệt hại do thi công chậm tiến độ với số tiền là 1.327 tỷ đồng. Sau thời gian dài căng thẳng, nhà thầu không chịu hợp tác, đến 17/9/2015 Hoa Đông đã rút hết lực lượng lao động ra khỏi công trường.
Việc kiện tụng giữa hai bên đến nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Ban đầu, VSH ký hợp đồng tư vấn pháp lý với 2 công ty luật (1 của Việt Nam, 1 của Singapore) nhưng 2 công ty này nhận thấy không đủ khả năng nên đã đề xuất VSH tiếp tục ký bổ sung với 1 hãng luật khác của Singapore.
Những rắc rối pháp lý và những tổn hại về mặt kinh tế của Thủy điện Vĩnh Sơn -Sông Hinh đến nay vẫn là bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam trong công tác lựa chọn nhà thầu. Không ít các dự án có mức đội vốn hàng nghìn tỷ đồng trong quá trình thi công, mà nguyên nhân một phần lớn là từ phía các nhà thầu không đủ năng lực.