VRG: Yêu chỉ định thầu, ghét đấu thầu qua mạng

(BĐT) - Trong năm 2018, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) thực hiện 1.392 gói thầu, hơn 70% số gói thầu này được lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu. Bên cạnh đó, việc thực hiện đấu thầu qua mạng tại tập đoàn này cũng còn nhiều hạn chế.
Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam có 983 gói thầu áp dụng chỉ định thầu trong tổng số 1392 gói thầu được thực hiện trong năm 2018. Ảnh: Đặng Trung
Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam có 983 gói thầu áp dụng chỉ định thầu trong tổng số 1392 gói thầu được thực hiện trong năm 2018. Ảnh: Đặng Trung

983/1.392 gói thầu được chỉ định

Theo VRG, trong năm 2018 giá mủ cao su tiếp tục biến động và vẫn duy trì ở mức thấp, dẫn đến hầu hết các đơn vị thành viên ngành cao su của Tập đoàn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên cắt giảm chi phí đầu tư, chỉ đầu tư những hạng mục công trình cần thiết để đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, số lượng gói thầu thực hiện trong năm 2018 của Tập đoàn chỉ bằng 88% so với năm 2017 và tổng giá gói thầu thực hiện chỉ bằng gần 74% so với năm 2017.

Cụ thể, năm 2018, VRG thực hiện tổng số 1.392 gói thầu, với tổng giá gói thầu là 1.185,6 tỷ đồng và tổng giá trúng thầu là 1.124,1 tỷ đồng, chênh lệch giảm 61 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ tiết kiệm gần 5,18%. Trong số này có 696 gói thầu tư vấn, 200 gói thầu mua sắm hàng hóa, 465 gói thầu xây lắp, 27 gói thầu hỗn hợp và 4 gói thầu dịch vụ phi tư vấn.

Về hình thức lựa chọn nhà thầu, VRG có tới 983 gói thầu (tương ứng 70,6% tổng số gói thầu) được áp dụng chỉ định thầu, với tổng giá gói thầu là 180,4 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 171,3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 5%. Trong khi đó, toàn Tập đoàn có 103 gói thầu được lựa chọn nhà thầu bằng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước; 190 gói thầu chào hàng cạnh tranh…

Về việc công khai kết quả lựa chọn nhà thầu, qua tìm hiểu cho thấy, dù thực hiện tới hơn nghìn gói thầu trong năm 2018, nhưng số lượng kết quả lựa chọn nhà thầu được các đơn vị thành viên cũng như Tập đoàn công bố còn ở con số khiêm tốn, đặc biệt là kết quả lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức chỉ định thầu. Cũng từ số lượng ít ỏi kết quả lựa chọn nhà thầu mà các thành viên VRG công bố cho thấy, có một số nhà thầu liên tiếp được các đơn vị này chỉ định thầu.

Điển hình là năm 2018, Công ty CP Phát triển đô thị và Khu công nghiệp cao su Việt Nam thuộc VRG đã chỉ định 5 gói thầu thuộc Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Cộng Hòa, Chí Linh cho Công ty CP Sơn Thành và chỉ định 2 gói thầu xây lắp của dự án này cho Công ty CP Công nghệ và Tư vấn Anco.

Đánh giá về việc VRG thực hiện chỉ định thầu hàng loạt như trên, một chuyên gia đấu thầu nêu quan điểm: “Chỉ định thầu là hình thức lựa chọn nhà thầu kém cạnh tranh, thêm vào đó lại cùng chỉ định thầu nhiều gói thầu cho cùng một nhà thầu thì yếu tố công bằng, minh bạch, hiệu quả của đấu thầu sẽ giảm đi rất nhiều, thậm chí không còn”. 

Triển khai đấu thầu qua mạng còn hạn chế

Theo báo cáo tài chính quý IV/2018 của VRG, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ cả năm 2018 đạt 19.661 tỷ đồng và tổng lợi nhuận sau thuế đạt 3.266 tỷ đồng. So với năm 2017, doanh thu có sự tăng trưởng khoảng 3,5% nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm nhẹ. 

Một điểm đáng chú ý khác là dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi của VRG cũng tăng đột biến từ 78,5 tỷ đồng đầu năm 2018 lên đến 622,6 tỷ đồng. Được biết, phần lớn trích lập dự phòng nợ xấu xuất phát từ khoản cho vay hơn 1.000 tỷ đồng của VRG cho công ty con là Công ty Tài chính Cao Su.

Sau phiên IPO thất bại vào ngày 2/2/2018 khi VRG chỉ bán được gần 101 triệu cổ phần trên tổng số 475,1 triệu cổ phần đưa ra đấu giá, việc nợ xấu gia tăng nhanh trong thời gian ngắn sẽ là yếu tố tiêu cực cho các đợt thoái vốn tiếp theo của Tập đoàn trong thời gian tới.

Thông tin về tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2018 được VRG báo cáo mới đây cũng cho thấy việc thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng tại Tập đoàn vẫn còn nhiều hạn chế. Các đơn vị còn lúng túng, chưa quyết liệt triển khai lựa chọn nhà thầu qua mạng. Thừa nhận thực tế này, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ thuộc VRG cho biết, năm 2016, Tập đoàn đã có văn bản chỉ đạo đề nghị các thành viên, ban quản lý dự án của Tập đoàn thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng. Song, hiện nay, việc thực hiện đấu thầu qua mạng còn chưa đồng bộ do cơ sở vật chất, nguồn lực về con người chưa đáp ứng. “Các đơn vị thành viên của VRG có đặc thù là thường ở các vùng sâu, vùng xa nên hiểu biết về công nghệ thông tin chưa được cập nhật sâu. Hầu như các đơn vị triển khai đã hơi chậm”, cán bộ này giải thích thêm.

VRG đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ năm 2018. Ủy ban cũng đặt mục tiêu sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp nhà nước nhằm minh bạch hóa hoạt động của doanh nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước. Tuy nhiên, thông tin về kế hoạch đẩy mạnh triển khai lựa chọn nhà thầu qua mạng tại VRG trong năm 2019, cán bộ nêu trên cho biết, Tập đoàn chưa có đề án hay kế hoạch mang tính đột phá nào để đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, mà vẫn là chỉ đạo các đơn vị thành viên đẩy mạnh và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đấu thầu.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư