VRDF 2019: Tiếp thêm động lực cho đổi mới sáng tạo

(BĐT) - Đúng như tên gọi Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF), sau lần tổ chức đầu tiên vào năm 2018, hàng loạt chuyển động chính sách theo hướng đổi mới nhằm mục tiêu phát triển đã liên tiếp diễn ra trong 1 năm qua, trong đó có hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
VRDF 2018 đã thúc đẩy những chuyển động thể hiện sự thích ứng của Việt Nam với xu thế mới. Ảnh: Lê Tiên
VRDF 2018 đã thúc đẩy những chuyển động thể hiện sự thích ứng của Việt Nam với xu thế mới. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều hành động thiết thực       

Nhìn lại thời gian hơn 1 năm qua có thể thấy rõ, Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo (ĐMST), tạo thuận lợi tối đa cho các startup phát triển. Đặc biệt là khung khổ chính sách thúc đẩy ĐMST có nhiều chuyển động thể hiện sự thích ứng của Việt Nam với xu thế mới.

Về thu hút nhân tài thúc đẩy ĐMST, cuối tháng 8/2018, với sự khởi xướng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), hơn 100 nhà khoa học Việt Nam từ nước ngoài đã được mời về nước tham dự một chuỗi chương trình kéo dài một tuần nhằm “hiến kế” thúc đẩy phát triển nền khoa học công nghệ 4.0 của đất nước. Sáng kiến Mạng lưới ĐMST Việt Nam ra đời được kỳ vọng sẽ góp phần đưa Việt Nam nhanh chóng bắt kịp, tiến cùng và vượt lên về khoa học, công nghệ, kinh tế. Chương trình diễn ra rất sôi nổi với nhiều hoạt động, trong đó có cuộc đối thoại giữa các nhà khoa học với Thủ tướng Chính phủ. Tại đó, các nhà khoa học trẻ đã có cơ hội bày tỏ quan điểm, nguyện vọng và đề xuất giải pháp nhằm giúp nước ta theo kịp bước tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn cầu.

Nối tiếp hoạt động này, nhiều hoạt động kết nối đã được tích cực triển khai. Mới đây nhất, ngày 14/9/2019, Mạng lưới ĐMST Việt - Đức (VGI - Vietnam Germany Innovation Network) đã ra mắt trọng thể tại Đại học Tổng hợp Humboldt, CHLB Đức. Sự ra đời Mạng lưới VGI khởi nguồn từ chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đến CHLB Đức, khi Bộ trưởng đặt vấn đề với Đại sứ Việt Nam tại Đức xây dựng kế hoạch hình thành mạng lưới này.

Trong chuyến công tác tại Mỹ đầu tháng 9/2019, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng đoàn công tác Việt Nam đã xúc tiến nhiều hoạt động kết nối thúc đẩy ĐMST với nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của nước này như: Microsoft, Amazon…

Bộ KH&ĐT đang quyết liệt triển khai việc thành lập Trung tâm ĐMST quốc gia (NIC). Trung tâm được ví như một Thung lũng Silicon tại Việt Nam nhằm thiết lập hệ sinh thái hoàn chỉnh cho ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo. Để khuyến khích nhân tài về NIC, Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi và khuyến khích đối với NIC đang được lấy ý kiến với nhiều ưu đãi hấp dẫn…

Với những nỗ lực không mệt mỏi thúc đẩy ĐMST, ngày 12/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thúc đẩy kinh tế chia sẻ, tạo hứng khởi cho giới kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ mới ở Việt Nam.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Đề án được phê duyệt thể hiện sự thích ứng của Việt Nam với xu thế mới, góp phần thúc đẩy ĐMST. “Sâu xa hơn, ẩn chứa đằng sau việc phê duyệt Đề án chính là một tư duy mới về xây dựng và cải cách thể chế. Từ đó thúc đẩy mô hình kinh doanh truyền thống và hiện đại bình đẳng với nhau dưới góc độ giảm chi phí tuân thủ, tạo điều kiện chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại”, ông Cung nhận định.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ và hiệu quả

Chia sẻ trước thềm VRDF 2019, người đứng đầu Bộ KH&ĐT cho biết: “Nhiều khuyến nghị gửi đến chúng tôi trước Diễn đàn tập trung vào việc Việt Nam cần có chiến lược toàn diện hơn so với các cách thức truyền thống. Cần thiết phải chuyển đổi nền kinh tế sang ĐMST, chú trọng vốn con người, phát triển hạ tầng, sinh kế cho người dân, cải thiện năng suất, phát triển bao trùm, xây dựng một nền kinh tế tự chủ, mọi người dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển”.

Tại VRDF 2019 diễn ra ngày mai (19/9), nhiều chủ đề, nội dung về ĐMST tiếp tục được thảo luận sâu hơn với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu thế giới. Đó là ĐMST - kinh nghiệm quốc tế và hàm ý với Việt Nam; ĐMST tại các quốc gia có quy mô thị trường tiêu thụ lớn và đang tăng trưởng nhanh tiến đến thu nhập cao; Nâng cao năng lực ĐMST của doanh nghiệp tư nhân; Kinh nghiệm thoát bẫy thu nhập trung bình thông qua ĐMST…

Nhiều chuyên gia cho rằng, sau VRDF 2018 đã bước đầu hình thành một làn sóng ĐMST tại Việt Nam. Những nội dung chuyên sâu, thiết thực của VRDF 2019 về ĐMST sẽ thúc đẩy làn sóng này mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng:

“Chủ đề và nội dung của VRDF 2019 được lựa chọn mang tính bao trùm hơn, bao gồm cả các vấn đề về cải cách thể chế kinh tế thị trường, ĐMST để vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, ưu tiên và hành động vì một Việt Nam thịnh vượng"

Chuyên đề

Kết nối đầu tư