Sản xuất xe máy tại Công ty Kymco- Bình Dương. Ảnh: T.H |
TP.HCM giảm mạnh
Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, tính từ đầu năm 2016 đến giữa tháng 2, tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cam kết mới và tăng thêm vào TP.HCM đạt 225,4 triệu USD, giảm đến 55,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số này, chỉ có 83 dự án đầu tư mới được cấp phép với tổng vốn đăng ký đạt gần 152 triệu USD và 22 dự án đang hoạt động điều chỉnh mở rộng đầu tư với tổng số vốn tăng thêm là 73,8 triệu USD. Trong đó có 9 dự án đăng ký hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo với tổng vốn cam kết đạt gần 59 triệu USD; lĩnh vực thương mại có 31 dự án với tổng vốn cam kết đạt hơn 55 triệu USD; hoạt động kinh doanh bất động sản có 3 dự án với tổng vốn đầu tư 9,2 triệu USD; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ có 11 dự án với tổng vốn đầu tư 8,4 triệu USD…
Đáng chú ý, trong tuần đầu tiên của tháng 1-2016, TP.HCM đã có một sự khởi động tốt cho năm mới khi Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cùng lúc cho 3 dự án mới, trong đó có 1 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký 21 triệu USD. Đó là dự án của Công ty UNITED MORE SDN. BHD. (Malaysia) dự kiến được xây dựng trên diện tích hơn 13 ha tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), sản xuất khung màn hình nhựa bóng và vỏ sau nhựa cho các loại tivi thông minh, tivi LCD và tivi LED, công suất khoảng 12 triệu sản phẩm/năm.
Trước đó, trong năm 2015, TP.HCM đã có một năm đầy thắng lợi khi đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư mới cho 595 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 3,04 tỷ USD và điều chỉnh tăng vốn cho 192 dự án với tổng vốn là 1,47 tỷ USD. Như vậy, cả cấp phép đầu tư mới và điều chỉnh, số vốn đều tăng mạnh so với năm trước, nhất là trong điều chỉnh tăng vốn với kết quả của năm 2015 bằng 383,17% so với năm 2014.
Theo chương trình xúc tiến đầu tư năm 2016 vừa được UBND thành phố phê duyệt, định hướng thu hút đầu tư sẽ tập trung vào bốn ngành công nghiệp trọng yếu và chín ngành dịch vụ chủ lực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ.
TP.HCM định hướng thị trường trọng điểm thu hút đầu tư trong năm 2016 gồm Mỹ, Canada, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc. Đặc biệt, thành phố sẽ thực hiện nhiều giải pháp để đón làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản.
Dự kiến, trong năm 2016, thành phố sẽ tổ chức 108 hoạt động xúc tiến thương mại-đầu tư với tổng kinh phí từ ngân sách thành phố hỗ trợ khoảng 20 tỉ đồng.
Đồng Nai đang dẫn đầu
Từ đầu năm đến 20-2-2016, tỉnh Đồng Nai đã thu hút được gần 470 triệu USD vốn FDI, tăng 3,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó có 14 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký 169 triệu USD, còn lại là 17 dự án tăng vốn. Các khu công nghiệp Nhơn Trạch, Long Đức, Giang Điền là nơi thu hút được nhiều dự án đầu tư mới. Đài Loan dẫn đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai trong 2 tháng, với 4 dự án có tổng vốn đăng ký 125 triệu USD. Với kết quả này, Đồng Nai đang dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.
Theo Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, nguyên nhân nguồn vốn FDI tiếp tục đổ vào tỉnh là do các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều tập đoàn FDI lớn trên thế giới đã đến đầu tư ở các khu công nghiệp tại Đồng Nai nhằm liên kết, đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất nguyên liệu, hàng hóa để cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, từ ngày 1-1-2016 đến ngày 15-2-2016, tỉnh này đã cấp mới cho 19 dự án FDI với tổng vốn 223,82 triệu USD, trong đó trong khu công nghiệp có 12 dự án, ngoài khu công nghiệp có 7 dự án.
Trong đó có nhiều dự án có quy mô, như: Công ty TNHH HCM Coffee, với tổng vốn đầu tư 88 triệu USD và Công ty TNHH UR Coffee với tổng vốn đầu tư 65,82 triệu USD, chuyên sản xuất và chế biến các loại cà phê; nhà máy sản xuất giày của Công ty TNHH Sung Min Vina, với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD, chuyên sản xuất giày và bán thành phẩm giày; Công ty TNHH Lumens Vina, với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD, chuyên sản xuất, gia công các loại đèn LED BLU. Nguồn vốn FDI vào Bình Dương dự báo sẽ tiếp tục tăng, với con số được đặt ra là 1,4 tỷ USD cho cả năm 2016.
Trong năm 2015, toàn tỉnh Bình Dương đã cấp mới cho 216 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.359 triệu USD.