Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lê Tiên |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau hơn 30 năm đổi mới, khu vực DN ngày càng phát huy và khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Doanh nghiệp đã và đang trọng tâm trong đổi mới sáng tạo (ĐMST) thông qua chuyển đổi mô hình sản xuất tiến tiến, áp dụng tiến bộ KH&CN, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Kết quả điều tra của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho thấy, năm 2018 có khoảng 30% DN có hoạt động đổi mới sáng tạo (đạt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020). Bên cạnh đó, ngày càng nhiều các tập đoàn đầu tư vào khoa học và công nghệ như Vietel, FPT, Vingroup, TTC, Phenikaa...và được kỳ vọng tạo bước tiến đột phá.
Về tổng nguồn vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong nhóm ngành hoạt động chuyên môn, KH&CN đã có mức tăng đột phá, đạt 965 nghìn tỷ đồng, tăng 53,2% so với năm 2017 (630 nghìn tỷ đồng) và là mức tăng cao nhất trong tất cả các nhóm ngành, nghề.
Hiện có khoảng 4.000 công ty khởi nghiệp sáng tạo (startup) đang hoạt động. Trong đó có nhiều startup thành công, được rót vốn hàng triệu đô từ các quỹ đầu tư nước ngoài như Cốc Cốc, KAfe Group, VeXeRe, Tiki, NCT... Nhiều DN tư nhân trong lĩnh vực công nghệ thông tin khởi nghiệp thành công như Công ty Giải pháp phần mềm Hòa Bình, Công ty Phần mềm iSphere, Công ty VinaGame, Navigos Group, Công ty cổ phần Dịch vụ giải pháp không dây, VC Corporation, CyVee.com, Công ty cổ phần Tài Việt, MJ Group,…góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng các thương hiệu Việt Nam về công nghệ thông tin trên bản đồ khởi nghiệp thế giới.
Bộ KH&CN khẳng định, DN đã và đang trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia.
Cụ thể, về cơ chế, chính sách cho hoạt động KH&CN, ĐMST đã và đang chuyển dịch theo hướng DN trở thành trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia. Mỗi loại hình DN đã có những chính sách, biện pháp phù hợp để thúc đẩy hoạt động KH&CN và ĐMST. Nhóm những DN quy mô lớn tiên phong, dẫn dắt chính sách tập trung vào khuyến khích tiếp cận, đổi mới, chuyển giao công nghệ; khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu và phát triển.
Đối với nhóm các DN KH&CN, DN công nghệ cao doanh số vẫn tăng, ổn định thì tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký và hoạt động để tiếp nhận các ưu đãi theo luật, hỗ trợ giao tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN.
Nhóm DN khởi nghiệp ĐMST có tiềm năng tăng trưởng nhanh dựa trên việc khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, chính sách tập trung vào hỗ trợ hình thành, kêu gọi đầu tư, nâng cao năng lực.
Với nhóm DN nhỏ và vừa tập trung vào nâng cao năng lực tiếp nhận, làm chủ, hấp thụ công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ. Theo đó, hệ thống các chương trình KH&CN quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đã dịch chuyển theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Các nhiệm vụ tập trung hỗ trợ hoạt động đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ trong doanh nghiệp; thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao đặc biệt là các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạnh công nghiệp lần thứ tư; phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia với vai trò như là vốn mồi, định hướng cho sự tập trung đầu tư của DN.
Hiện nay, hành lang pháp lý về quỹ đầu tư mạo hiểm cho KH&CN đang được hoàn thiện. Ngoài các quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam như: Dragon Capital, IDG Ventures Vietnam (IDGVV), CyberAgent Ventures, DFJ VinaCapital, Mekong Capital… đã bắt đầu hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm của các Tập đoàn Vingroup, Startup Viet Partner... với số vốn hàng ngàn tỷ đồng. Kinh phí ngoài ngân sách cho hoạt động khoa học, công nghệ và ĐMST đang ngày càng tăng cao. Các DN ngày càng nhận thức vai trò KH&CN và ĐMST trong phát triển bền vững, do đó tăng cường đầu tư cho phát triển KH&CN. Nhiều tập đoàn hàng đầu của Việt Nam đang chuyển hướng chiến lược, đầu tư lớn cho nghiên cứu và phát triển công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, thành lập viện nghiên cứu, trường đại học của DN như: Viettel, VNPT, TH, Vingroup, Thaco, Phenikaa... Tỷ lệ kinh phí chi hoạt động KHCN từ ngân sách nhà nước/DN đã chuyển dịch từ tỷ lệ 70/30 của giai đoạn trước sang 52/48 trong giai đoạn hiện nay.
Để KHCN và ĐMST tiếp tục đồng hành trong quá trình phát triển bền vững DN, ngành KHCN nỗ lực tập trung thực hiện các 5 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN, ĐMST; khuyến khích, hỗ trợ nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của DN; tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia…