Vốn đầu tư công “kẹt” tại nhiều dự án ở Phú Yên và Kon Tum

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều dự án tại Phú Yên và Kon Tum được bố trí lượng vốn lớn từ nguồn đầu tư công năm 2024, nhưng tỷ lệ hấp thụ rất thấp, kéo giải ngân đầu tư công của địa phương xuống TOP dưới giải ngân của cả nước. Theo số liệu của Bộ Tài chính, đây là 2 trong 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công 8 tháng đầu năm 2024 thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (40,49%).
Dự án tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà tại Khu kinh tế Phú Yên đang trong quá trình giải phóng mặt bằng. Ảnh: Phương Đông
Dự án tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà tại Khu kinh tế Phú Yên đang trong quá trình giải phóng mặt bằng. Ảnh: Phương Đông

Nhiều dự án có tiền nhưng không “tiêu” được

Công trường Dự án tuyến đường giao thông từ Cảng Bãi Gốc (Khu kinh tế Phú Yên) kết nối Quốc lộ 1 đi Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) từ đầu năm 2024 đến nay rơi vào tình trạng thi công cầm chừng. Giám đốc Ban Quản lý đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Phú Yên Võ Văn Ngôi (đại diện chủ đầu tư) cho biết, mặt bằng cho nhà thầu thi công bị ách tắc liên tục, gần đây mới giải phóng được hơn 4 km nhưng theo kiểu “da beo” nên tiếp cận thi công cầm chừng. Năm 2024, Dự án được bố trí vốn 677 tỷ đồng. Theo báo cáo từ Chủ đầu tư, khối lượng thi công mới đạt khoảng 35 tỷ đồng (5,16%).

Cũng tại Khu kinh tế Phú Yên, Dự án tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà có tổng mức đầu tư 532,742 tỷ đồng, năm 2024 được bố trí nguồn vốn 30 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư đề xuất giảm 25 tỷ đồng, chỉ để lại 5 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, nhưng khả năng cũng không “tiêu” hết.

Năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư công Phú Yên được bố trí là 4.050,621 tỷ đồng. Đến hết tháng 8/2024, theo số liệu từ Bộ Tài chính, giải ngân ước đạt 926 tỷ đồng, tương ứng 22,6% kế hoạch. Nguyên nhân chính được báo cáo là vướng mặt bằng và thiếu nguồn vật liệu đất đắp.

Tại Kon Tum, Dự án Kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào dân tộc thiểu số dọc sông Đăk Bla thuộc TP. Kon Tum năm 2024 được bố trí vốn hơn 205 tỷ đồng nhưng đến nay mới giải ngân được 5,7 tỷ đồng (khoảng 2,8%); Dự án Đường trục chính phía Tây TP. Kon Tum được giao hơn 353 tỷ đồng cũng mới giải ngân được 9 tỷ đồng (khoảng 2,5%); Dự án Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với các huyện Sơn Tây - Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) giải ngân được hơn 12/232 tỷ đồng (khoảng 5,2%)… Các dự án này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư. Theo lãnh đạo Ban, năm 2024, Ban được UBND Tỉnh giao làm chủ đầu tư 9 dự án với tổng vốn 1.174 tỷ đồng nhưng đa số chậm tiến độ, kéo theo giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Bên cạnh các dự án trên, tại Kon Tum, Dự án Sửa chữa nâng cấp đập Đăk Cấm (TP. Kon Tum) là một trong những dự án trọng điểm do Ban QLDA ĐTXD các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2020 - 2025 làm chủ đầu tư. Dự án này có tổng mức đầu tư 295 tỷ đồng, trong đó Gói thầu xây lắp có giá trị 193 tỷ đồng. Trong năm 2024, Dự án được bố trí gần 120 tỷ đồng, nhưng đến hết tháng 8/2024 mới giải ngân được hơn 4,1 tỷ đồng cho phần khảo sát thiết kế công trình, tương ứng khoảng 3,4%...

Đến hết tháng 8, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Kon Tum ước đạt 472,852 tỷ đồng, tương ứng 32,73% kế hoạch năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao (2.717,2 tỷ đồng).

Đạt mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn, cách nào?

Năm 2024, tỉnh Phú Yên đặt mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công, nhưng nhìn vào thực trạng mới có một lượng vốn nhỏ được đưa vào các dự án, công trình trong 8 tháng qua cho thấy áp lực giải ngân đang rất lớn.

Dù vậy, các giải pháp mà địa phương này đưa ra để đẩy nhanh vốn vào các dự án mới dừng lại ở yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã quyết liệt triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm trước UBND Tỉnh và Chủ tịch UBND Tỉnh trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND Tỉnh và UBND Tỉnh.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho biết tiếp tục duy trì hoạt động của Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công; yêu cầu các chủ đầu tư chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn, đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao.

Đối với tỉnh Kon Tum, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc chậm trễ giải ngân vốn đầu tư xảy ra ở tất cả các giai đoạn, từ chuẩn bị đầu tư đến thực hiện dự án. Đến giai đoạn triển khai thì một trong những vướng mắc lớn nhất là giải phóng mặt bằng do xác định nguồn gốc đất, kiểm kê, kê khai phân loại, áp giá đền bù… Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu đất đắp nền. Hiện Kon Tum có 6 mỏ đất san lấp đấu giá thành công với tổng trữ lượng được phê duyệt trên 13 triệu m3, nhưng mới có 1 mỏ đất được cấp phép khai thác.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn, Tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn các chủ đầu tư và UBND các huyện, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng.

Để hấp thụ tối đa vốn đầu tư công, bên cạnh tháo gỡ nhanh chóng vướng mắc giải phóng mặt bằng, khó khăn về cấp phép mỏ, khai thác vật liệu đá, cát, đất…; kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng, cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, phù hợp với diễn biến thị trường, theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, các bộ, cơ quan trung ương cũng như các địa phương phải khắc phục được tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm quyền. Cần phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm về tiến độ thực hiện và giải ngân đối với từng dự án; tích cực rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn từ dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt. Đây là những việc cần phải được làm quyết liệt hơn nữa.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư