Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
“Chết” vì thiếu vốn lưu động
Vinaxuki ra đời năm 2004 với tâm huyết của ông Bùi Ngọc Huyên – vốn là một kỹ sư cơ khí. Nhiều mẫu xe tải của Vinaxuki đã được thị trường chấp nhận. Thậm chí, ở thị trường miền Nam những năm 2009 - 2010, Vinaxuki còn lấn lướt Trường Hải Auto khi công ty này cứ tiêu thụ được 10 xe thì Trường Hải Auto chỉ tiêu thụ được 6 chiếc cùng chủng loại.
Vinaxuki cứ hoạt động “ngon lành” như vậy cho đến năm 2012, năm khủng hoảng kinh tế khiến một loạt doanh nghiệp (DN) trong ngành lao đao. Ông Huyên cho biết, năm 2012, lần đầu tiên Vinaxuki báo lỗ sau 8 năm hoạt động, khoản lỗ khoảng 45 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản lỗ của Vinaxuki chưa là gì so với ông lớn Trường Hải vào lúc đó – lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Khi đó, ông Huyên đã kịp vay vốn ngân hàng đầu tư một loạt nhà xưởng, máy móc hiện đại, sẵn sàng cho công nghệ sản xuất những chiếc xe mang thương hiệu Việt, hướng tới tỷ lệ nội địa hóa 55% - một con số ngay cả đến giờ vẫn ít DN nào dám nghĩ tới. Thế nhưng, rắc rối khó tin đã xảy ra với Vinaxuki khi các ngân hàng đều ngần ngại không tiếp tục cho Công ty vay vốn lưu động với những lo lắng về kế hoạch kinh doanh của Vinaxuki cũng như đường hướng phát triển ngành công nghiệp này. Bị dừng cho vay, Công ty lâm vào khủng hoảng. Hiện Vinaxuki nợ ngân hàng khoảng 1.400 tỷ đồng, là các khoản vay mà công ty này dùng để đầu tư vào máy móc thiết bị. Hệ thống nhà xưởng, máy móc cũng đã được Vinaxuki dùng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay nói trên.
Đi mắc núi trở lại mắc sông
1.400 tỷ đồng nợ ngân hàng là một con số khá lớn với Vinaxuki, tuy nhiên, DN này có vốn chủ sở hữu lên đến 933 tỷ đồng. Những vướng mắc về mặt chính sách, về chiến lược, về quy hoạch phát triển ngành đã khiến các ngân hàng dè dặt, thận trọng trong việc tiếp tục rót vốn cho Vinaxuki. Họ muốn Công ty bán tài sản thế chấp. “Tuy nhiên, bán nhà xưởng đâu có dễ” – ông Huyên cho biết.
Vinaxuki hiện còn hơn 1,1 triệu m2 đất công nghiệp chưa bị thế chấp. Đó gần như là tài sản lớn nhất còn “tự do” của Công ty cho đến nay, tuy không thể “biến” thành dòng tiền. Thiếu vốn để triển khai sản xuất, tài sản bị kiểm soát, hiện Vinaxuki đang mắc kẹt với khối tài sản khổng lồ gần 2.800 tỷ đồng mà gần như không thể làm gì.
“Về nội địa hóa ô tô, không nói đâu xa, chính bản thân các cán bộ ngành thuế cũng không muốn. Nhập khẩu ô tô từ nước ngoài thu thuế cao hơn nhiều so với sản xuất trong nước” – ông Huyên cho biết.
Không trông chờ TPP
Trong khi TPP được các DN Việt háo hức chờ đón, cá nhân ông Huyên cho rằng, chưa thể nói trước được điều gì. Đành rằng nếu TPP được thông qua, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ phát huy được những lợi thế đáng kể khi có thể “loại bỏ” Thái Lan trong cuộc đua cung cấp linh kiện, lắp ráp phụ tùng cho các hãng xe của Nhật Bản.
Đến năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN sẽ về 0% theo đúng cam kết. Khi đó, việc nội địa hóa ô tô Việt sẽ càng khó khăn khi phải cạnh tranh với Thái Lan, Indonesia, Malaysia – các nước đã đi trước chúng ta một bước. Kinh nghiệm nội địa hóa thành công tại Thái Lan, Đài Loan… cho thấy thị trường nhỏ không phải là rào cản. Chỉ cần chính sách đúng hướng và những hỗ trợ kịp thời – ông Huyên nhận định.