Vinamilk đẩy mạnh lộ trình giảm “dấu chân Carbon”, hướng đến Net Zero

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Là công ty sữa lớn của Việt Nam, với hệ thống đơn vị sản xuất khổng lồ gồm 15 trang trại và 17 nhà máy trên cả nước, Vinamilk cho thấy sự tiên phong trong các hoạt động giảm thiểu dấu chân carbon, quản lý phát thải khí nhà kính, đồng hành cùng Chính phủ hướng đến Net Zero.

“Với ý thức rằng bất kỳ hoạt động sản xuất nào cũng tác động đến môi trường, cộng đồng vì vậy doanh nghiệp (DN) luôn nỗ lực tìm kiếm các giải pháp giảm thiếu các tác động này, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và năng lượng” – đó là thể hiện quan điểm nhất quán của Vinamilk đối với môi trường được ông Lê Hoàng Minh – Giám đốc Điều hành Sản xuất và Trưởng dự án Net Zero của Vinamilk phát biểu tại Diễn đàn Thương mại xanh năm 2023 với chủ đề “Chủ động chuyển đổi xanh”.

Các trang trại tại Vinamilk đều sử dụng năng lượng mặt trời, hệ thống biogas biến chất thải đàn bò thành tài nguyên.

Các trang trại tại Vinamilk đều sử dụng năng lượng mặt trời, hệ thống biogas biến chất thải đàn bò thành tài nguyên.

Mục tiêu chiến lược – phát triển bền vững

Để khẳng định vai trò tiên phong trong quản lý, giảm thiểu “dấu chân” carbon trong sản xuất, kinh doanh, đồng hành cùng Chính phủ thực hiện “Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn năm 2050”, Vinamilk thông qua các hoạt động của mình để tiến tới quá trình xanh hóa tại Việt Nam. Tuy nhiên quá trình này còn không ít thách thức, đây là mục tiêu hướng tới của cộng đồng DN. “Giảm phát thải không chỉ là câu chuyện của một DN, do chúng ta nằm trong chuỗi giá trị chung. Vì thế, thách thức này không thể tự giải quyết được mà cần sự chung tay của DN, cộng đồng.” – Đại diện của Vinamilk chia sẻ bên lề diễn đàn.

Nằm trong Top 36 Công ty sữa lớn nhất thế giới về doanh thu (năm 2022 đạt hơn 60.000 tỷ đồng), Vinamilk hiện đang quản lý 15 trang trại và 17 nhà máy trong và ngoài nước, 13 công ty con, công ty liên doanh, liên kết trong và ngoài nước. Riêng tại Việt Nam, hệ thống các nhà máy, trang trại của Vinamilk có thể xem là có quy mô lớn nhất của ngành sữa. Phát triển bền vững tại Vinamilk được thực hiện rất sớm, xác định xoay quanh ba trụ cột chính là Thiên nhiên – Con người – Sản phẩm. Từ năm 2012, Vinamilk là một trong những DN hiếm hoi công bố Báo cáo phát triển bền vững tham chiếu theo tiêu chuẩn lập Báo cáo phát triển bền vững toàn cầu GRI và mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs).

Vinamilk nhận chứng nhận Nhà máy và trang trại đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060:2014.

Vinamilk nhận chứng nhận Nhà máy và trang trại đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060:2014.

Ông Lê Hoàng Minh chia sẻ thêm, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, triển khai thực hành các tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường sử dụng năng lượng xanh, kinh tế tuần hoàn... cũng là 1 trong 4 mũi nhọn trong chiến lược 5 năm (từ năm 2022 đến 2026) của Vinamilk.

Giảm thiểu dấu chân Carbon, hướng đến Net Zero

Trong 11 lĩnh vực trọng yếu mà Vinamilk hoạch định để đầu tư cho phát triển bền vững, quản lý phát thải khí nhà kính là một lĩnh vực được ưu tiên. Điều này được thể hiện rõ nét khi Vinamilk vừa công bố lộ trình tiến đến Net Zero vào năm 2050, những nhà máy, trang trại đầu tiên đạt trung hòa Carbon theo tiêu chuẩn quốc tế PAS2060:2014.

Nhà máy sữa và trang trại bò sữa Vinamilk Nghệ An là 2 đơn vị đầu tiên đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS2060:2014 với hơn 17.560 tấn CO2 đã được hấp thụ. Kết quả này đến từ “hành động kép” - cắt giảm phát thải trong sản xuất, chăn nuôi đồng thời duy trì quỹ cây xanh để hấp thụ khí nhà kính trong nhiều năm qua.

Trước đó, Vinamilk là DN sữa đầu tiên của Việt Nam tham gia Pathways to Dairy Net Zero (Sáng kiến toàn cầu của ngành sữa về Net Zero), là DN sữa đầu tiên tại Châu Á phối hợp cùng với tổ chức Khung phát triển bền vững ngành sữa thế giới (DSF) thực hiện chương trình đánh giá – xác định các khía cạnh trọng yếu về phát triển bền vững tại Vinamilk nói riêng, ngành sữa Việt Nam nói chung. Lộ trình cụ thể: Giảm 15% khí nhà kính vào năm 2027, giảm 55% khí nhà kính vào năm 2035, đạt Net Zero vào năm 2050, Vinamilk tập trung vào 4 khía cạnh Chăn nuôi bền vững – Sản xuất xanh – Logistics thân thiện với môi trường – Tiêu dùng bền vững.

Để đạt được mục tiêu này, lãnh đạo Vinamilk dẫn chứng việc áp dụng hệ thống Biogas biến chất thải thành tài nguyên (phân bón, nước, khí đốt,…), các trang trại canh tác 100% theo phương pháp hữu cơ, 70% diện tích trang trại được phủ xanh, 87% năng lượng xanh, sạch từ Biomass, CNG thay thế cho năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch; 15 - 20% điện sử dụng được khai thác từ năng lượng mặt trời. Vinamilk cũng đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng như robot tự hành, hệ thống thu hồi và tái sử dụng nhiệt…

Vinamilk đầu tư nhiều công nghệ hiện đại để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải.

Vinamilk đầu tư nhiều công nghệ hiện đại để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải.

Tiếp nối thành công của chương trình Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam (2012-2020), Vinamilk cũng đã phối hợp với Báo Tài nguyên và Môi trường thực hiện Dự án trồng cây hướng đến Net Zero trong 5 năm (2023 – 2027) với mục tiêu gia tăng độ che phủ của cây xanh trên cả nước, góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu, hình thành những “cánh rừng Net Zero” trong tương lai. “Năm 2023, Vinamilk sẽ cùng trồng thêm rừng ngập mặn tại Cà Mau, loại rừng này có khả năng hấp thụ CO2 cao, giúp hạn chế hiện tượng tiêu cực khác do biến đổi khí hậu gây ra”. – ông Minh cho biết thêm.

Chuyên đề