Vinaherbfoods: Kinh doanh ảm đạm vẫn chào bán cổ phiếu giá cao

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Trong bối cảnh kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh, số dư tiền mặt còn chưa đến 1 tỷ đồng, Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty CP Dược liệu và Thực phẩm Việt Nam (Vinaherbfoods, mã chứng khoán: VHE) vừa thông qua phương án phát hành cổ phiếu (CP) riêng lẻ nhằm thu về hơn 52 tỷ đồng. Tuy nhiên, thương vụ này có thành công hay không vẫn là ẩn số khi giá chào bán cao gấp 2 lần thị giá CP VHE.

Giá giao dịch của cổ phiếu VHE trên thị trường quanh mức 4.000 đồng trong khi mức giá chào bán cho các nhà đầu tư lên tới 10.000 đồng/cổ phiếu. Ảnh: St
Giá giao dịch của cổ phiếu VHE trên thị trường quanh mức 4.000 đồng trong khi mức giá chào bán cho các nhà đầu tư lên tới 10.000 đồng/cổ phiếu. Ảnh: St

Theo phương án huy động vốn, Vinaherbfoods sẽ phân phối 5,28 triệu CP cho 7 nhà đầu tư cá nhân gồm: Nguyễn Thị Tỵ (800 nghìn CP), Ngô Phương Thảo (754,8 nghìn CP), Nguyễn Đình Quyết (792 nghìn CP), Bùi Thị Hồng (759,2 nghìn CP), Nguyễn Minh Phương (674 nghìn CP), Nguyễn Thị Thu (708 nghìn CP), Nguyễn Thị Ngân (792 nghìn CP). Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của Công ty tăng từ 105,6 tỷ đồng lên 158,4 tỷ đồng.

Tăng vốn là hoạt động hết sức bình thường đối với một doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong khi giá giao dịch của CP VHE trên thị trường quanh mức 4.000 đồng thì mức giá Công ty chào bán lên tới 10.000 đồng/CP. Đồng thời, CP phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.

Việc nhà đầu tư chiến lược mua CP với giá cao hơn thị giá thực ra không phải quá hiếm hoi. Thông thường, trong các thương vụ như vậy, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược sẽ tương đối lớn, đủ để tác động ở mức độ nào đó lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thương vụ tăng vốn của Vinaherbfoods, số lượng CP VHE mà các cá nhân trên sở hữu không đủ để khiến họ trở thành cổ đông lớn (sở hữu 5% tổng số CP trở lên), có tiếng nói nhất định về chiến lược kinh doanh của Công ty.

Vinaherbfoods được thành lập vào năm 2016, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu đồ uống, sản phẩm từ thảo dược. Đầu năm 2019, cổ phần Công ty được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Theo nghị quyết của HĐQT Vinaherbfoods, số tiền thu được từ việc phát hành thêm CP sẽ được Công ty sử dụng để trả nợ vay các tổ chức tín dụng (22,8 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động, cụ thể là thanh toán cho các nhà cung cấp.

Theo Báo cáo tài chính quý III/2020 của Vinaherbfoods, Công ty ghi nhận 32 tỷ đồng doanh thu bán hàng thuần, gần như không đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng với biên lợi nhuận giảm từ 21% xuống còn 8,7%, lợi nhuận gộp của Công ty chỉ còn 2,7 tỷ đồng, giảm hơn 58% so với quý III/2019.

Nhờ tạm ngừng chi phí quảng cáo, marketing, Công ty đã tiết giảm mạnh chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Kết quả, Vinaherbfoods lãi ròng 0,157 tỷ đồng trong quý III/2020, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng năm 2020, doanh thu thuần của Vinaherbfoods giảm 20%, đạt 98 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm gần 3 tỷ đồng. Phải nhờ đến khoản lợi nhuận khác 3 tỷ đồng, Công ty mới có lãi sau thuế 0,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 9 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh kém khả quan khiến tình hình tài chính của Vinaherbfoods xấu đi. Tại thời điểm cuối quý III/2020, tổng tài sản của Công ty đạt 177,6 tỷ đồng. Trong đó, số dư tiền và các khoản tương đương tiền chỉ còn khoảng 0,75 tỷ đồng. Trong khi đó, vay và nợ thuê tài chính dài hạn là hơn 6 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Nợ phải trả cũng tăng 4%, lên gần 67 tỷ đồng.

Chuyên đề