Viglacera Tiên Sơn: Nỗi lo tồn kho, nợ nần

(BĐT) - Công ty CP Viglacera Tiên Sơn vừa trải qua một năm 2017 khó khăn với bức tranh tài chính ảm đạm khi lợi nhuận giảm mạnh, tồn kho, nợ vay tăng mạnh và dòng tiền kinh doanh âm. Ngoài ra, thị trường gạch cạnh tranh gay gắt cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ sản phẩm của Công ty trong năm 2018.
Viglacera Tiên Sơn phải chịu nhiều áp lực khi thị trường gạch đã xuất hiện tình trạng dư cung. Ảnh: Lê Tiên
Viglacera Tiên Sơn phải chịu nhiều áp lực khi thị trường gạch đã xuất hiện tình trạng dư cung. Ảnh: Lê Tiên

Lợi nhuận giảm, tồn kho và nợ vay tăng mạnh

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2017, doanh thu của Viglacera Tiên Sơn đạt 970,6 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với con số 966,3 tỷ đồng của năm 2016. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp giảm 6,39%, từ 136 tỷ đồng xuống còn 127,3 tỷ đồng. Theo báo cáo của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), sản lượng tiêu thụ gạch năm 2017 của Viglacera Tiên Sơn đạt 7,27 triệu m2, tăng 7% so với 2016. Tuy nhiên, giá bán bình quân giảm từ 142 nghìn xuống còn 133,5 nghìn đồng/m2 là nguyên nhân chủ yếu làm giảm lợi nhuận gộp của Công ty.

Cùng với đó là chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) gần 48 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2016. Điều này đã làm cho kết quả lợi nhuận trước thuế năm 2017 của Công ty chỉ đạt 50 tỷ đồng, giảm 30% so với năm 2016.

Được biết, nợ vay của Viglacera Tiên Sơn tăng vọt do trong năm 2017, Công ty đã gia tăng vay nợ tài trợ cho Dự án Nhà máy Sản xuất gạch Viglacera Mỹ Đức. Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2017, tổng nợ phải trả của Viglacera Tiên Sơn lên tới hơn 853 tỷ đồng, tăng 56,6% so với năm 2016 và chiếm 77% tổng tài sản. Trong đó, tổng vay nợ ngắn hạn và dài hạn đạt 689 tỷ đồng, tăng 58%. Cơ cấu nợ vay gồm 406,6 tỷ đồng vay ngắn hạn và 282,4 tỷ đồng vay dài hạn. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 3,5 lần. Cùng với đó là lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2017 âm tới 107,7 tỷ đồng, điều này sẽ gây thêm áp lực nợ vay cho Viglacera Tiên Sơn nếu dòng tiền này tiếp tục âm trong thời gian tiếp theo.

Một điều đáng chú ý nữa trong báo cáo tài chính năm 2017 của Viglacera là sự gia tăng rất mạnh của hàng tồn kho. Cụ thể, hàng tồn kho của doanh nghiệp này vào cuối 2017 lên tới 343,5 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần so với thời điểm cuối năm 2016. Cơ cấu hàng tồn kho khá lo ngại với tồn kho thành phẩm là 227,7 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với năm trước, còn tồn kho nguyên vật liệu là 75 tỷ đồng, tăng 50% so với 2016. 

Khó khăn tiêu thụ sản phẩm

Theo báo cáo của BVSC, năm 2018 Viglacera Tiên Sơn sẽ ưu tiên giải quyết hàng tồn kho; đẩy mạnh tiêu thụ gạch của Nhà máy Mỹ Đức. Cụ thể, Công ty giảm kế hoạch sản xuất cho hai nhà máy Thái Bình và Tiên Sơn khoảng 3,4% so với năm 2017 để tập trung tiêu thụ hàng tồn kho. Riêng Nhà máy Mỹ Đức dự kiến sẽ chạy hết công suất, cung cấp khoảng 2,5 triệu m2 gạch, nên sản lượng sản xuất kế hoạch toàn Công ty vẫn tăng 14% so với năm 2017, đạt 9,6 triệu m2. Do đó, để đạt mục tiêu giảm lượng tồn kho còn 1,1 triệu m2, Công ty đặt sản lượng tiêu thụ kế hoạch là 10,2 triệu m2 gạch, tăng 40%. Trong đó, hai nhà máy Tiên Sơn và Thái Bình tiêu thụ khoảng 7,6 triệu m2, tăng 13% và Nhà máy Mỹ Đức đảm nhận 2,6 triệu m2.

Tuy nhiên, khả năng đẩy doanh số như kế hoạch sẽ khó khăn. Viglacera Tiên Sơn cho biết, doanh thu quý I/2018 dự kiến không tăng trưởng nhiều, mức tăng có thể thấp hơn 10%. Về lợi nhuận, tuy không lỗ so với kế hoạch nhưng vẫn ở mức thấp. Nguyên nhân là do các chi phí sản xuất như nhiên liệu đốt, điện và chi phí khấu hao tăng lên khoảng 84 tỷ đồng, so với mức 60 tỷ năm 2017.

Báo cáo của BVSC cho biết thêm, sau giai đoạn tăng trưởng nóng 2015 - 2017, thị trường gạch nhìn chung đã xuất hiện tình trạng dư cung. Theo chia sẻ từ đại diện Tập đoàn Viglacera, nguồn cung gạch năm 2017 có thể đã lên tới 700 triệu m2. Trong khi đó, nhu cầu theo ước tính chỉ đạt khoảng 550 - 580 triệu m2. Do đó, trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, Viglacera Tiên Sơn có thể gặp khó khăn trong việc bán hàng. Lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng khi không thể đẩy mạnh doanh số trong khi các chi phí cố định tăng cao và giá bán lại có xu hướng giảm.

Chuyên đề