Vigecam – Bí ẩn “số phận” đất vàng

(BĐT) - Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam) là công ty 100% vốn Nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đại diện sở hữu. Với mục đích cổ phần hóa, tháng 10/2015 Vigecam đã có thư mời tham gia đối tác chiến lược.
Lãi từ xuất khẩu chè chỉ đem lại con số cực kỳ khiêm tốn so với nguồn thu từ cho thuê văn phòng và kho bãi của Vigecam. Ảnh: Văn Tứ
Lãi từ xuất khẩu chè chỉ đem lại con số cực kỳ khiêm tốn so với nguồn thu từ cho thuê văn phòng và kho bãi của Vigecam. Ảnh: Văn Tứ

Trước đó, ngày 24/9/2015, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ký thay Bộ trưởng trong văn bản đề nghị giao cho Hội đồng thành viên Vigecam căn cứ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và báo cáo Bộ phê duyệt. Việc chọn đối tác chiến lược đối với Vigecam có vẻ lâm vào bế tắc, khi đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Trong khi đó, phương án cổ phần hóa của Vigecam được cho là hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược bởi nhiều lẽ. Thứ nhất, công ty có quỹ đất với diện tích khổng lồ, nhiều khu đất nằm ở các địa chỉ đắc địa. Thứ hai, tỷ lệ cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược lên tới 70% - là tỷ lệ đủ để nhà đầu tư chiến lược chi phối gần như mọi hoạt động của Vigecam – trong đó sẽ có quyền định đoạt tương đối với các mảnh đất mà công ty đang có quyền sử dụng. 

Lại câu chuyện đất vàng

Theo phương án cổ phần hóa, vốn điều lệ của Vigecam sẽ là 220 tỷ đồng. Trong đó 70% cổ phần được chào bán cho cổ đông chiến lược, 28,93% cổ phần được chào bán công khai. Còn lại 1,07% cổ phần được bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên.

Về hoạt động của Vigecam, phân bón vẫn là mặt hàng kinh doanh chủ lực, đóng góp tỷ trọng xung quanh 50% doanh thu hàng năm của Công ty. Chè xuất khẩu chiếm gần 1/3 doanh thu. Tuy nhiên, đáng chú ý là mặc dù doanh thu chủ yếu do phân bón và chè xuất khẩu mang lại, lãi gộp của Vigecam lại chủ yếu đến từ việc cho thuê văn phòng, kho bãi. Năm 2014, lĩnh vực này mang lại 12,3 tỷ đồng lãi gộp, tương đương 59% lãi gộp cả năm của Vigecam. Các mảng kinh doanh khác (LAS, đầu tư xây dựng…) chiếm 47,2% lãi gộp, đạt 9,9 tỷ đồng. Mảng phân bón khiến Tổng công ty lỗ gộp 3 tỷ đồng, chè xuất khẩu lãi 1,8 tỷ đồng – là con số cực kỳ khiêm tốn.

6 tháng đầu năm 2015, Vigecam báo lỗ tới 59,7 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến thời điểm cuối quý II/2015 là 57,6 tỷ đồng. 6 tháng cuối năm, Tổng công ty cải thiện tình hình kinh doanh, khoản lỗ cả năm chỉ còn 1,5 tỷ đồng.

Bên cạnh tình hình kinh doanh không có nhiều điểm nhấn, Vigecam hiện đang phải gánh khoản công nợ không có khả năng thu hồi 61,7 tỷ đồng.

Hiện tại Vigecam đang quản lý và sử dụng diện tích đất đang thuê của Nhà nước với tổng diện tích 114.794 m2 gồm 6 lô đất tại Hà Nội,  Hải Phòng và TP.HCM. Trong đó có thửa đất tại Khu vui chơi giải trí Đống Đa – Quận Đống Đa – Hà Nội với diện tích trên 23.000 m2. Dự án này đang được Bộ trình Thủ tướng cho phép chuyển đổi chủ đầu tư dự án từ Vigecam sang CTCP Tập đoàn quốc tế Năm Sao. Sau khi dự án chuyển đổi được phê duyệt, nếu giá trị thu hồi lớn hơn chi phí đã đầu tư thì sẽ được xử lý tại thời điểm chính thức chuyển sang CTCP.

Tranh chấp trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược

Với quyết định mới đây của Thủ tướng Chính phủ (Phó Thủ tướng ký thay), nhà đầu tư vẫn dõi theo kết quả lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của Vigecam. Đúng hơn là dõi theo số phận của những mảnh đất vàng mà Vigecam hiện đang sử dụng.
Đã hơn nửa năm kể từ khi Vigecam chào mời nhà đầu tư chiến lược (theo thông báo thời gian chậm nhất gửi hồ sơ là 9/10/2015 – thông báo tiếp theo gia hạn thời gian đến 4/12/2015) – hiện nhà đầu tư chiến lược của Vigecam vẫn chưa lộ diện.

Thực tế, đầu tháng 2/2016, Bộ NN&PTNT đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ thông qua lựa chọn 2 đơn vị là Tổng công ty Rau quả Nông sản – Vegetexco (mua 45% cổ phần) và Công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (mua 25% cổ phần). Tuy nhiên, trước các đơn thư khiếu nại về việc 2 tổ chức này không đủ điều kiện làm cổ đông chiến lược, kế hoạch của Vigecam đã bị trì hoãn.

Ngày 28/4/2016 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa Vigecam. Theo phương án được ký duyệt, Bộ NN&PTNT phải rà soát, báo cáo cụ thể hơn về tiêu chí lựa chọn, quá trình tổ chức lựa chọn và đề xuất cổ đông chiến lược trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Về việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước nói chung, hiện có 2 luồng ý kiến về việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Một số ý kiến cho rằng, cần phải đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe, tránh việc thất thoát tài sản Nhà nước vào tay các tổ chức/cá nhân khác, đồng thời thay đổi mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, miễn là mức giá đưa ra đủ cao để tối đa hóa số tiền Nhà nước thu về, việc đặt ra tiêu chuẩn đối với nhà đầu tư chiến lược là thừa thãi. Đơn giản, về mặt lợi ích, không một chủ thể kinh tế nào bỏ tiền vào một doanh nghiệp để “phá” cả. Hiệu quả kinh tế sẽ quyết định tất cả.

Với quyết định mới đây của Thủ tướng Chính phủ (Phó Thủ tướng ký thay), nhà đầu tư vẫn dõi theo kết quả lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của Vigecam. Đúng hơn là dõi theo số phận của những mảnh đất vàng mà Vigecam hiện đang sử dụng.

Chuyên đề