Kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2018 của Vietnam Airlines ước giảm 30% so với thực hiện năm 2017 vì ảnh hưởng của giá dầu. Ảnh: Lê Tiên |
Vietnam Airlines cũng cho biết sẽ đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) vào quý III/2018.
Ảnh hưởng của giá dầu
Một ngày sau tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, giá dầu thế giới tiếp tục tăng cao và lập đỉnh mới trong vòng 3,5 năm trở lại đây trong phiên giao dịch ngày 9/5 (theo giờ của Mỹ) do lo ngại về nguy cơ gia tăng xung đột ở Trung Đông và nguồn cung dầu bị thắt chặt. Cụ thể, giá dầu WTI giao tháng 6 tăng 2,08 USD, tương đương 3%, lên 71,14 USD/thùng. Giá chuẩn toàn cầu trong phiên tăng lên 77,43 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 11/2014. Giá dầu Brent giao tháng 7 tăng 3,2%, tương đương 2,36 USD, lên 77,21 USD/thùng. Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent có thể đạt 82,5 USD/thùng trong mùa hè này.
Giá dầu Brent cũng là yếu tố chính chi phối giá xăng chuyên dụng Jet A - loại xăng được dùng cho tất cả các chuyến bay trong ngành hàng không Việt Nam. Do đó, giá dầu là một trong những yếu tố tác động trực tiếp và đáng kể đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là những hãng hàng không có đặc thù tỷ trọng chi phí nhiên liệu trên chi phí hoạt động rất lớn như Vietnam Airlines, Vietjet Air.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính Kế toán của Vietnam Airlines cho biết, vào thời điểm hiện tại, chi phí xăng dầu bình quân chiếm khoảng 30% tổng chi phí hoạt động, những lúc cao nhất lên đến 38% và lúc thấp là 24 - 25%. Vì vậy, ngành hàng không rất quan tâm đến giá dầu và riêng Vietnam Airlines đã thực hiện nghiệp vụ hedging (tự bảo hiểm rủi ro biến động giá cả) để quản trị rủi ro. Vietnam Airlines dự kiến thực hiện hedging tối đa không quá 35% và thời hạn dài nhất không quá 18 tháng. Tuy nhiên, việc thực hiện còn phụ thuộc vào điều kiện về mặt pháp lý và thị trường.
Ông Hiền cho biết thêm, với quy mô của Vietnam Airlines, cứ mỗi USD giá dầu tăng thêm, chi phí của Tổng công ty tăng thêm khoảng 230 tỷ VND trong một năm. Do vậy, với xu hướng giá dầu tiếp tục tăng như thế này, nhiều khả năng tiệm cận mức bình quân cả năm là 85 USD, thì sức ép cho HĐQT rất lớn để đạt được kế hoạch kinh doanh đã đề ra.
Đây cũng là yếu tố chính khiến cho kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2018 của Vietnam Airlines ước giảm 30% so với thực hiện năm 2017, đạt 1.917 tỷ đồng, trong khi mục tiêu doanh thu hợp nhất dự kiến tăng trưởng 14% lên 97.000 tỷ đồng. Vietnam Airlines cũng cho biết, kế hoạch kinh doanh được xây dựng theo giả định giá nhiên liệu ở mức 75 - 80 USD/thùng, tăng 15 - 20% so với năm 2017.
Sẽ chuyển sang sàn HOSE trong quý III/2018
Về phương án tăng vốn điều lệ, chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu và chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm của cổ đông Nhà nước, ông Trần Thanh Hiền cho biết, lần phát hành này nằm trong Đề án Cổ phần hoá Vietnam Airlines đã được Chính phủ phê duyệt với quy mô 191 triệu cổ phiếu. Hiện doanh nghiệp đã hoàn tất các thủ tục, ngày 14/4 đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt thủ tục phát hành, dự kiến ngày 2/7 đợt phát hành sẽ hoàn thành. Sau khi hoàn tất việc phát hành lần cuối cùng này, Vietnam Airlines sẽ chuyển cổ phiếu của mình từ sàn UPCoM lên HOSE. Như vậy, dự kiến trong quý III/2018, Vietnam Airlines sẽ hoàn tất các thủ tục để chuyển sang sàn HOSE.
Giá bán một cổ phần trong đợt phát hành này là 48.000 đồng, đây là mức giá trung bình của 10 phiên tại thời điểm chốt giá. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do biến động của thị trường, giá cổ phiếu đã giảm khá nhiều. Hiện tại, giá cổ phiếu HVN đang được giao dịch quanh mốc 38.000 đồng/cổ phiếu. Do đó, ông Hiền đánh giá khả năng bán được là khá thấp.
“Nếu việc phát hành không thành thì Nhà nước sẽ bỏ tiền mua số cổ phiếu này và tiến hành thoái vốn sau”, ông Hiền cho biết.
Về việc thoái vốn Nhà nước xuống 51%, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, việc giảm tỷ lệ có thể diễn ra theo hai cách, hoặc Nhà nước bán bớt vốn, hoặc doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu và Nhà nước không mua tiếp.