Việt Nam: Một sự khởi đầu tích cực cho năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Triển vọng cho năm 2024 vẫn tích cực mặc dù các rủi ro vẫn còn hiện hữu, bao gồm xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như giữa Israel và Hamas có thể làm gián đoạn hoạt động thương mại và thị trường năng lượng/hàng hóa toàn cầu.
Một động lực chính dẫn đến kết quả tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I/2024 là hoạt động ngoại thương
Một động lực chính dẫn đến kết quả tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I/2024 là hoạt động ngoại thương

Đây là đánh giá đáng chú ý của tại Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2024 vừa được Ngân hàng UOB công bố. Theo đó, GDP thực tế của Việt Nam tăng 5,66% so với cùng kỳ trong quý I/2024, kéo dài mức tăng 6,72% so với cùng kỳ trong quý IV/2023 và vượt xa mức tăng 3,41% trong quý I/2023 - kết quả quý I tốt nhất từ năm 2020 - 2023. Kết quả khả quan vào đầu năm 2024 tạo ra tín hiệu tích cực cho thời gian còn lại của năm nay, sau năm 2023 đầy thử thách.

Một động lực chính dẫn đến kết quả tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I/2024 là hoạt động ngoại thương, với cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2021, được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm như điện tử và điện thoại. Doanh số ngành bán dẫn tăng lên kể từ giữa năm 2023 cho thấy xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong các quý tới.

Bất chấp xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra và tình trạng gián đoạn vận chuyển ở Biển Đỏ, xuất khẩu hàng hóa vẫn tăng 17% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu tăng 13,9% trong quý I/2024, dẫn đến thặng dư thương mại 8,08 tỷ USD. Đây là một cú lội ngược dòng mạnh mẽ sau khi cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm trong hầu hết năm 2023, dẫn đến mức giảm lần lượt là 5% và 9% trong năm 2023.

Nối dài đà tăng trong năm 2023, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục duy trì mạnh mẽ trong quý I/2024. Những dữ liệu FDI này cho thấy, các doanh nghiệp tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra quá trình tái cấu trúc; sự gia tăng cả dòng vốn FDI thực hiện và đăng ký sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trong nước trong những quý tới, bao gồm cả tăng trưởng việc làm và xây dựng; sự khẳng định niềm tin và cam kết của các doanh nghiệp nước ngoài đối với Việt Nam trong làn sóng phi toàn cầu hóa, giảm rủi ro và chuyển dịch chuỗi cung ứng hiện nay.

UOB dự báo, triển vọng cho năm 2024 vẫn tích cực mặc dù các rủi ro vẫn còn hiện hữu, bao gồm xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như giữa Israel và Hamas có thể làm gián đoạn thương mại và thị trường năng lượng/hàng hóa toàn cầu.

Tuy nhiên, sự phục hồi của nhu cầu ngành bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực cũng như khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trong những tháng tới sẽ hỗ trợ cho triển vọng kinh tế trong năm nay. UOB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,0% vào năm 2024, so với mục tiêu tăng trưởng từ Chính phủ là 6,0 - 6,5%.

Chuyên đề