Việt Nam duy trì sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bất chấp những bất ổn toàn cầu, Việt Nam vẫn duy trì được sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Khu vực ĐTNN tiếp tục góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi, phát triển nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Như cách nói của GS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong “thập niên mất mát của kinh tế thế giới, sức hấp dẫn ĐTNN mạnh là một tuyến năng lực rất quan trọng của Việt Nam”.
Số lượt dự án điều chỉnh vốn duy trì mức tăng so với cùng kỳ 2022, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
Số lượt dự án điều chỉnh vốn duy trì mức tăng so với cùng kỳ 2022, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Duy trì sức hút đầu tư nước ngoài

Tính đến 20/9/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, 2.254 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 66,3% so với cùng kỳ năm trước, tổng vốn đăng ký đạt hơn 10,23 tỷ USD, tăng 43,6%. Số lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng 21,5%, vốn đầu tư điều chỉnh tăng thêm đạt hơn 5,15 tỷ USD, giảm 38,3% so với cùng kỳ 2022 nhưng đã thấp hơn so với mức giảm của các tháng trước. Tổng giá trị vốn góp thông qua các giao dịch GVMCP của nhà ĐTNN tăng 47% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, vốn thực hiện của dự án ĐTNN ước đạt khoảng 15,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, trong 9 tháng đã có gần 16 tỷ USD vốn ĐTNN đưa vào nền kinh tế. Theo Cục ĐTNN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng trong những tháng đầu năm đã mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư. Vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục có xu hướng cải thiện hơn theo từng tháng so với các tháng đầu năm. Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng duy trì mức tăng so với cùng kỳ, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.

Khu vực ĐTNN đóng góp lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm trong 9 tháng năm 2023, khu vực ĐTNN vẫn xuất siêu gần 37,2 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 35,8 tỷ USD không kể dầu thô.

Trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam công bố mới nhất, Ngân hàng Thế giới nhận định cam kết và giải ngân vốn ĐTNN ổn định phản ánh sự quan tâm của các nhà ĐTNN đối với các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam bất chấp những bất ổn toàn cầu.

Cần có những cơ chế, chính sách đột phá về thu hút các dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa sâu, rộng, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Lê Tiên

Cần có những cơ chế, chính sách đột phá về thu hút các dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa sâu, rộng, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Lê Tiên

Thêm cơ chế gia tăng sức hấp dẫn, hài hòa lợi ích

Theo Bộ KH&ĐT, triển vọng thu hút vốn ĐTNN toàn cầu có thể sẽ bất định hơn trong thời gian tới. Đà phục hồi ở các nền kinh tế châu Á, gắn với các hiệp đinh thương mại tự do, có thể tạo thêm động lực để giữ chân nhà ĐTNN và thu hút thêm nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, cạnh tranh địa chính trị giữa các nền kinh tế lớn, gắn với các tiêu chuẩn mới và thậm chí là những biện pháp can thiệp của một số chính phủ để định hướng hoạt động đầu tư/chuyển hướng đầu tư có thể ảnh hưởng đến xu hướng dịch chuyển nguồn vốn này, trong đó bao gồm xu hướng hồi hương dịch chuyển sản xuất về gần và sang các nước đồng minh thân cận. Dòng vốn FDI tăng chậm lại và ngày càng tập trung giữa các quốc gia có liên kết địa chính trị, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược. Việc triển khai thực hiện Cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu và các nhóm chính sách liên quan ở nhiều nước cũng có thể ảnh hưởng đến dịch chuyển FDI.

Trong số những giải pháp để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong 3 tháng cuối năm 2023, Bộ KH&ĐT cho rằng, cần nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách đột phá về thu hút ĐTNN, nhất là trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, tạo lợi thế cạnh tranh để thu hút các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa sâu, rộng, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn làm nhà cung ứng cho doanh nghiệp FDI trong một số ngành, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu chủ lực của khu vực FDI…

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần rà soát, sửa đổi cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút các nhà ĐTNN trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Cần thay thế chính sách ưu đãi thuế bằng việc hoàn thiện môi trường đầu tư và các biện pháp phù hợp nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn lao động, cũng như cần phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối các tỉnh, vùng kinh tế tạo thuận lợi cho thu hút các nhà ĐTNN.

Còn theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, kinh tế thế giới được dự báo là đang trong “một thập niên mất mát”. Nền kinh tế có độ mở cửa cao nhưng thực lực chưa mạnh của Việt Nam sẽ chịu những tác động tiêu cực mạnh mẽ từ tình hình đó. Thách thức này buộc Việt Nam phải chuẩn bị năng lực để đối phó, bao gồm củng cố những năng lực, động lực hiện có và phát triển những năng lực, động lực mới. Một trong những tuyến năng lực mà Việt Nam đang có lợi thế là sức hấp dẫn ĐTNN mạnh. Việt Nam đang có điều kiện tự thân, cộng với bối cảnh quốc tế tạo ra những lực đẩy cơ bản thuận chiều, có lợi để duy trì và gia tăng sức hấp dẫn vốn. Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là thu hút và định hướng sử dụng nguồn lực từ các nhà ĐTNN thế nào để “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Ông Trần Đình Thiên cho rằng, giai đoạn phát triển mới đang mở ra cơ hội mới cho Việt Nam trong việc thu hút nhà ĐTNN. Nguồn lực phát triển này chứa đựng trong nó tiềm năng to lớn để tạo đột phá trong phát triển. “Mấu chốt vấn đề ở đây là hệ thống thể chế kinh tế thị trường hiện đại, quản trị thông minh cộng với các điều kiện nền tảng đồng bộ là hạ tầng kết nối, nguồn nhân lực chất lượng, lực lượng doanh nghiệp bản địa đủ mạnh để nối chuỗi”, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Chuyên đề