Việt Nam đang là thị trường hấp dẫn để đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - So với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường hấp dẫn để đầu tư với rủi ro tương đối thấp. Điều này tạo động lực thúc đẩy dòng vốn của nhiều công ty công nghệ và doanh nghiệp khác ở Mỹ đầu tư vào Việt Nam.
Trong tương lai, thị trường sẽ đón nhận nhiều hơn các dự án nhà ở, văn phòng và trung tâm bán lẻ. Ảnh: Bảo Tín
Trong tương lai, thị trường sẽ đón nhận nhiều hơn các dự án nhà ở, văn phòng và trung tâm bán lẻ. Ảnh: Bảo Tín

Trong hơn một năm qua, thị trường FDI tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã ghi nhận xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng một cách rõ nét của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, kéo theo nhu cầu lớn cho lĩnh vực bất động sản công nghiệp, thương mại đến từ các khách hàng này.

Theo Báo cáo Đầu tư Thế giới 2022 của UNCTAD, khu vực Đông Nam Á ghi nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ với mức tăng 44% trong giai đoạn hậu Covid-19.

Các khoản đầu tư vào khu vực này đang có sự chuyển dịch lớn sang nhóm ngành công nghiệp có giá trị cao. Trong đó, Việt Nam được xem là một trong những điểm đến nổi bật với năng lực sản xuất đạt mức kỳ vọng của các nhà đầu tư quốc tế.

Minh chứng, các doanh nghiệp Mỹ đã đến Việt Nam, coi đây là một nơi hấp dẫn để kinh doanh, bởi có đội ngũ người lao động chất lượng, phân phối tốt và sức cầu của thị trường cao. Đây chính là thị trường với sức tăng trưởng mạnh mẽ, phù hợp để kinh doanh và tiếp tục đầu tư trong thời gian dài.

Theo chuyên gia bất động sản Christopher J Marriott, một trong những lợi thế lớn mà Việt Nam có được ở thời điểm hiện tại là năng lực sản xuất nhóm ngành công nghệ cao.

Hiện nay, chi phí sản xuất và logistics phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa tại Việt Nam đang ở mức rất hấp dẫn. Nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu hàng hoá đang bắt đầu cải thiện nhờ mạng lưới logistics nên các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.

Khi so sánh với các thị trường khác trong khu vực, có thể thấy chi phí đầu tư tại Việt Nam rất phù hợp, trong khi chi phí tại Singapore, Trung Quốc hiện nay đều đã tăng cao. Vì vậy, các doanh nghiệp đang tìm đến những thị trường thay thế và Việt Nam đang làm rất tốt trong việc đón đầu các xu hướng đó, đặc biệt sau đại dịch.

Ở góc độ vĩ mô, sự mở rộng chuỗi cung ứng và sản xuất đang được thúc đẩy bởi chính sách "Trung Quốc + 1" với các công ty Trung Quốc có nhu cầu mở rộng sang thị trường nước ngoài và nhu cầu từ các công ty đa quốc gia mở rộng chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á.

Việt Nam có thể được hưởng lợi từ các điều này vì được đánh giá là một nơi có thái độ làm việc tốt, lực lượng lao động có trình độ cao. Đặc biệt, TP.HCM và Hà Nội là hai thành phố lớn sản xuất các mặt hàng cao cấp về công nghệ và điện tử trên thị trường.

Ông Dominic Harding, Trưởng bộ phận Khách thuê xuyên biên giới Savills Hoa Kỳ cho rằng, với sự tăng trưởng trên, đây sẽ là nền tảng cho các ngành công nghiệp cơ bản và ngành công nghiệp cấp cao trong lĩnh vực công nghệ và điện tử. Nó sẽ thu hút các nhà đầu tư rót vốn vào lĩnh vực logistics, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển nền kinh tế.

Chuyên đề