Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu

(BĐT) - Ngày 17/1, tại Hà Nội, Hội thảo Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 đã chính thức khai mạc.
Các đại biểu tham dự Phiên thảo luận về Biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019
Các đại biểu tham dự Phiên thảo luận về Biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế trung ương đã nhấn mạnh BĐKH đang là thách thức lớn cho quá trình phát triển bền vững của tất cả quốc gia trên thế giới, từ nước có điều kiện phát triển đến các nước còn nghèo.

Nếu không ứng phó hiệu quả với BĐKH thì thành quả phát triển kinh tế sẽ chịu tổn hại, quá trình phát triển bền vững sẽ gặp nhiều khó khăn. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH do có bờ biển dài và nhiều lưu vực sông lớn. “Những tác động tiêu cực về BĐKH ngày một lớn, khó lường ở nhiều lĩnh vực và địa phương sẽ làm gia tăng mức độ cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường. Đây là một trong những nguy cơ làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội, làm mất đi nhiều thành quả đã đạt được” – ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Mặt khác, BĐKH tại Việt Nam lại làm gia tăng hơn nữa mức độ phụ thuộc vào năng lượng. Sự mất ổn định của những nguồn cung năng lượng nhất là nguồn cung năng lượng sơ cấp do ảnh hưởng của BĐKH sẽ tác động lớn đến phát triển các nguồn năng lượng truyền thống lại là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng hiệu ứng khí nhà kính, đây là tác nhân trực tiếp gây BĐKH.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, việc nghiên cứu, đánh giá mối tác động kép này để chủ động phòng, chống BĐKH và đưa ra các giải pháp củng cố an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo phát triển bền vững là việc làm hết sức cần thiết.

Phát biểu tại Hội thảo, ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Chủ tịch danh dự Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cũng khẳng định thách thức BĐKH là rất lớn và luôn có mối quan hệ chặt chẽ với ngành năng lượng.

“Với tốc độ tăng trưởng năng lượng khá cao hiện nay, Việt Nam cần quan tâm thực thi những giải pháp hữu hiệu để chủ động ứng phó với BĐKH. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới đã chuyển dần từ nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng mới và tái tạo; đây là xu hướng chung để giải quyết vấn đề phát triển năng lượng bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH” – ông John Kerry khuyến cáo.

Dưới góc nhìn của mình, ông Micheal Greene, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức USAID Việt Nam lại cho rằng, cần định hình cụ thể một chiến lược an ninh năng lượng cho Việt Nam trong bối cảnh BĐKH. Việt Nam cần có cơ chế mạnh hơn nữa để thúc đẩy vai trò của năng lượng tái tạo, cùng với đó là việc thực thi nghiêm túc chính sách về sử dụng năng lượng hiệu quả để giải quyết bài toán đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam trong dài hạn.

Chuyên đề